Năng lực công dân số của trẻ em Châu Á – Thái Bình Dương: Thấu hiểu tư cách công dân số của trẻ em

15/06/2019 17:21 GMT+7
Trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường năng lực số cho trẻ em Châu Á – Thái Bình Dương (DKAP)” của UNESCO được thực hiện ở Bangladesh, Fiji, Hàn Quốc, và Việt Nam, ngày 13/6/2019, tại Hà Nội, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam (Vnies), phối hợp với UNESCO Hà Nội tổ chức Hội thảo công bố và truyền bá các kết quả nghiên cứu “Dự án tăng cường năng lực số của trẻ em Châu Á – Thái Bình Dương”

Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm chú ý của đông đảo các nhà nghiên cứu, các cơ sở giáo dục, các nhà hoạch định chính sách, các cơ quan quản lý giáo dục, giáo viên, giảng viên trong nước và quốc tế. Tham dự Hội thảo có: PGS.TS. Lê Anh Vinh - Phó Viện trưởng, đại diện các đơn vị trong Viện và các nhà nghiên cứu khoa học; Ông Michael Croft – Giám đốc UNESCO tại Hà Nội và các cộng sự, Ông Jian Xi Teng – UNESCO Bangkok và các cộng sự; Đại diện một số Cục, Vụ thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; Đại diện 5 Sở Giáo dục và Đào tạo tham gia DKAP (Hà Nội, Lâm Đồng, Đà Nẵng, Lào Cai, Cần Thơ); Đại diện các trường tham gia khảo sát của 5 Sở; Các doanh nghiệp liên quan (Agilead Global – Vietnam,Microsoft Vietnam, Vietnet-ICT); Đại diện các cơ quan truyền thông, báo chí;...
 
Dự án DKAP đã tiến hành khảo sát đối với 5129 học sinh lứa tuổi 15 tại 4 nước Châu Á – Thái Bình Dương là: Bangladesh, Fiji, Hàn Quốc, Việt Nam. Việt Nam tham gia khảo sát với tổng số 1051 Học sinh, tại 20 trường thuộc các tỉnh: Hà Nội, Lâm Đồng, Đà Nẵng, Lào Cai, Cần Thơ. Trong đó: số nữ sinh là: 53,1% và khoảng 99% học sinh tham gia khảo sát sinh năm 2003. Dự án khảo sát dựa trên bộ công cụ được thiết kế và quy chuẩn qua nhiều lần tham vấn bởi các chuyên gia quốc tế và các cơ quan có liên quan của UNESCO, về các năng lực số, đề cập trên năm lĩnh vực, gồm: Kiến thức – Kĩ năng nền tảng về kỹ thuật số, An toàn trên mạng và khả năng thích ứng trong thế giới số, Tham gia và thiết kế số, Trí tuệ cảm xúc trong thế giới số, Sáng tạo và đổi mới sáng tạo số.
 
Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong 5 lĩnh vực nói trên, trẻ em tự tin nhất vào các năng lực An toàn trên mạng và Khả năng thích ứng trong thế giới số và thiếu tự tin nhất về các năng lực Sáng tạo và Đổi mới sáng tạo số ở cả bốn quốc gia khảo sát. Một vài lĩnh vực cho thấy có sự tương đồng giữa các quốc gia về năng lực công dân số, nhưng ở một sốlĩnh vực khác lại cho thấy có những khoảng cách lớn giữa các nước. Ở cả bốn quốc gia tham gia lần này, trẻ em gái có các chỉ số cao hơn đáng kể so với trẻ em trai trên tất cả năm lĩnh vực đề cập. Trẻ em ở thành thị cho thấy năng lực cao hơn so với trẻ em ở các trường nông thôn, trong tất cả năm lĩnh vực.
 
Dựa trên những kết quả và phát hiện, trong bối cảnh hướng đến Giáo dục 4.0, các bên tham gia nghiên cứu Dự án này đưa ra các khuyến nghị chính sách như:
- Cần có cách nhìn tổng thể, toàn diện về công dân số, mà nội hàm rộng hơn các kỹ năng số và an toàn trên mạng,...
- Khuyến khích những nghiên cứu phản ánh nhu cầu, nguyện vọng của trẻ em, nhất là phát triển chính sách về năng lực công dân số
- Xây dựng các hệ thống hỗ trợ học sinh tiếp cận, phát triển năng lực số từ các bên, như phụ huynh, giáo viên, bè bạn và người thân
- Nỗ lực phối hợp các bên để loại bỏ khoảng cách trong việc tiếp cận kỹ thuật số của trẻ em
- Phát triển các mối quan hệ liên ngành để cùng giải quyết các thách thức.
 
Dưới đây là một số hình ảnh tại buổi Hội thảo:
 
PGS.TS. Lê Anh Vinh – Phó Viện trưởngViện KHGDVN– phát biểu khai mạc Hội thảo
 
Ông Michael Croft – Giám đốc UNESCO tại Hà Nội– phát biểu tại Hội thảo
 
PGS.TS. Phạm Đức Quang– Trưởng nhóm nghiên cứu – trình bày báo cáo về Kết quả nghiên cứu của dự án DKAPtại Việt Nam
Ông Jian Xi Teng – đại diện UNESCO Bangkok – trình bày báo cáo về Kết quả nghiên cứu của Dự án DKAP tại 4 nước: Bangladesh, Fiji, Hàn Quốc, Việt Nam
 
Đoàn chủ tịch điều hành Hội thảo thảo luận