Hội nghị triển khai xây dựng danh mục thiết bị dạy học tối thiểu các cấp học phổ thông
Thực hiện Quyết định Số 107/QĐ-BGDĐT ngày 11/01/2021 về việc phê duyệt nhiệm vụ đặt hàng cấp Bộ năm 2021, ngày 26/02/2021 tại Hội trường A - Bộ Giáo dục và Đào tạo, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp với Cục Cơ sở vật chất tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ “Đề xuất Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu của các cấp học phổ thông đáp ứng với yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018” nhằm trao đổi thống nhất nguyên tắc, quy trình, kế hoạch xây dựng danh mục thiết bị dạy học.
Toàn cảnh Hội nghị trao đổi về việc xây dựng danh mục thiết bị dạy học tối thiểu
Tham gia Hội nghị có Ông Phạm Hùng Anh - Cục trưởng cục cơ sở vật chất, TS. Tạ Ngọc Trí - Phó vụ trưởng Vụ giáo dục tiểu học, GS.TS Lê Anh Vinh - Phó Viện trưởng phụ trách Viện khoa học giáo dục Việt Nam, cùng hơn 70 thành viên thực hiện nhiệm vụ là các tác giả biên soạn chương trình, chuyên gia đến từ các trường đại học, cao đẳng, các chuyên gia cán bộ Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và các chuyên viên Cục CSVC, Vụ Giáo dục Tiểu học, Vụ Giáo dục Trung học.
GS.TS Lê Anh Vinh, Phó Viện trưởng phụ trách Viện KHGDVN phát biểu tại hội nghị
Phát biểu khai mạc hội nghị, thay mặt Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, GS.TS Lê Anh Vinh, Phó Viện trưởng phụ trách Viện gửi lời cảm ơn tới các quý vị đại biểu và toàn thể các thầy cô là tác giả đề xuất danh mục thiết bị dạy học ở các môn học/hoạt động giáo dục, chuyên viên các Cục, Vụ thuộc Bộ giáo dục và Đào tạo đã phối hợp tham gia thực hiện nhiệm vụ và đến tham dự hội nghị. PVT Lê Anh Vinh nhấn mạnh, trong giai đoạn triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới hiện tại đã Bộ giáo dục và Đào tạo đã có thông tư ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu dành cho lớp 1, lớp 2 và lớp 6 CTGDPT 2018 do vậy việc xây dựng và đề xuất danh mục thiết bị dạy học tối thiểu lần này sẽ cần được xuyên suốt theo các lớp, cấp học. Năm 2021 Bộ giáo dục và đào tạo đã giao cho Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam chủ trì nhiệm vụ đề xuất danh mục thiết bị dạy học tối thiểu theo từng cấp học, đầu mối là Trung tâm phát triển bền vững chất lượng giáo dục phổ thông Quốc gia, vì vậy khi xây dựng danh mục thiết bị dạy học tối thiểu cần chú ý ở 3 điểm sau: thứ nhất, việc đề xuất danh mục thiết bị dạy học tối thiểu cần mang tính thiết thực, hiệu quả, có thể sử dụng được cho nhiều cấp, lớp và phù hợp với các nhà trường; thứ hai, việc đề xuất danh mục thiết bị dạy học tối thiểu phải đáp ứng được yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, danh mục phải có tính mở để có thể lựa chọn được các thiết bị khác nhau nhưng vẫn đáp ứng được yêu cầu của chương trình. Thứ ba, là phải có tính kế thừa danh mục thiết bị dạy học đã ban hành theo CTGDPT 2006.
Ông Phạm Hùng Anh, Cục trưởng Cục cơ sở vật chất phát biểu tại Hội nghị
Thay mặt Cục cơ sở vật chất, Cục trưởng Phạm Hùng Anh đã nêu khái quát về thực trạng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. Hiện nay đối với tỷ lệ phòng học bộ môn theo yêu cầu và tỷ lệ thiết bị đáp ứng theo yêu cầu tối thiểu, cụ thể tỷ lệ phòng học bộ môn đáp ứng theo yêu cầu trên cả nước cấp trung học cơ sở chiếm 69,9 %, cấp trung học phổ thông chiếm 76,6 %; tỷ lệ thiết bị đáp ứng nhu cầu tối thiểu trên cả nước chiếm 56,5 %. Vì vậy việc xây dựng danh mục thiết bị dạy học tối thiểu cần theo định hướng cụ thể như: đáp ứng yêu cầu của chương trình môn học; đảm bảo tính liên thông giữa các lớp trong cùng cấp học và giữa các cấp học với nhau; đảm bảo tính khả thi (phù hợp với điều kiện kinh phí đầu tư, khả năng sản xuất, cung ứng và việc khai thác, bảo quản sử dụng thiết bị dạy học); đảm bảo tính kế thừa danh mục thiết bị dạy học đã ban hành, tránh lãng phí; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng theo hướng mở, không quy định cứng nhắc, không áp đặt theo mẫu thiết bị dạy học cụ thể, nhằm tạo điều kiện thúc đẩy sự sáng tạo của các nhà sản xuất, cung cấp thiết bị dạy học và mở rộng phạm vi mua sắm dựa theo điều kiện kinh tế xã hội của từng địa phương; Tiếp cận công nghệ mới hiện đại, phù hợp với điều kiện thực tiễn; Tiếp cận với các phương pháp giáo dục mới (STEM, định hướng nghề nghiệp…). Tiếp đó Cục trưởng Phạm Hùng Anh cũng đưa ra các bước xây dựng danh mục thiết bị dạy học và yêu cầu các mốc thời gian cụ thể.
PGS.TS Nguyễn Văn Khánh – ĐHSP Hà Nội phát biểu tại Hội nghị
Hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia xây dựng chương trình môn học/hoạt động giáo dục, chuyên gia về phương pháp dạy học và chuyên gia thiết bị dạy học. Hội nghị đã thống nhất các nguyên tắc, quy trình, kế hoạch triển khai nhiệm vụ. Các nhóm tác giả xây dựng danh mục thiết bị dạy học các môn học/hoạt động giáo dục tổ chức xây dựng kế hoạch cụ thể của nhóm đảm bảo kế hoạch tiến độ chung của nhiệm vụ.
Trung tâm phát triển bền vững chất lượng Giáo dục phổ thông Quốc gia