Hội nghị Tư vấn lần thứ tư cho Dự án “Nghiên cứu cải thiện hệ thống giáo dục Việt Nam”

21/01/2021 11:08 GMT+7
Ngày 19/01/2021, Ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam (VNIES) phối hợp với trường Đại học Minnesota Hoa Kỳ (UMN) tổ chức Hội nghị Tư vấn lần thứ tư cho Dự án “Nghiên cứu cải thiện hệ thống giáo dục Việt Nam” (RISEVN).

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, với sự tham gia của hơn 40 đại biểu đến từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, các viện nghiên cứu, Học viện Quản lý giáo dục, trường phổ thông, trường đại học trong và ngoài nước. Tham dự Hội nghị có GS.TS. Lê Anh Vinh, Phó viện trưởng phụ trách Viện Khoa học giáo dục Việt Nam; GS.TS Paul Glewwe, trường Đại học Minnesota Hoa Kỳ; GS.TS. Joan Dejaeghere, Minnesota Hoa Kỳ; bà Trần Thị Mỹ An - Chuyên gia giáo dục cao cấp của World Bank; ông Tạ Ngọc Trí, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học; Bà Lê Thị Mỹ Hà, Giám đốc Trung tâm Đánh giá chất lượng giáo dục, Cục Quản lý chất lượng; các chuyên viên đại diện cho Vụ Giáo dục Trung học, Vụ Giáo dục Tiểu học, Cục Quản lý chất lượng; các chuyên gia cao cấp của World Bank, cán bộ nghiên cứu của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam; các hiệu trưởng, giáo viên một số trường phổ thông tham gia Dự án.
  
 
 GS.TS Lê Anh Vinh, Phó viện trưởng phụ trách Viện KHGD phát biểu khai mạc hội nghị
   
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, GS.TS. Lê Anh Vinh nhận định: Sau 10 năm thực hiện chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020, và 7 năm đổi mới căn bản, toàn diện, hệ thống giáo dục Việt Nam đã tạo được sự chuyển biến căn bản về chất lượng giáo dục: Hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2017; Học sinh lứa tuổi 15 đạt thành tích cao tại ba chu kỳ PISA 2012, 2015 và 2018; Học sinh tiểu học đứng đầu khu vực Đông Nam Á tại SEA - PLM 2019; Việt Nam luôn thuộc top đầu các kỳ thi Olympic quốc tế; 02 Đại học được vào danh sách 1000 ĐH hàng đầu thế giới và 08 trường đại học được vào danh sách các Đại học hàng đầu Châu Á;... Những yếu tố nào, nguyên nhân nào thực sự có ảnh hưởng quan trọng đến thành tích vượt trội của học sinh Việt Nam là câu hỏi đã và đang được nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước, nhiều tổ chức quốc tế đặc biệt quan tâm. Và đây cũng là mục tiêu chính của Dự án RISE Việt Nam được triển khải từ 2016 đến 2022. 
  
Đây là Hội nghị lần thứ tư nhằm xin ý kiến tư vấn của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà sư phạm về những kết quả nghiên cứu trung gian giai đoạn 2019-2020 và định hướng sử dụng các kết quả nghiên cứu để cải thiện chất lượng hệ thống giáo dục ở Việt Nam.
 
 
     
Qua các ý kiến vô cùng tâm huyết và sâu sắc của đại biểu, Hội nghị thu được nhiều ý kiến tư vấn quí báu về:
 
- Cam kết của Chính phủ, đặc điểm quản trị nhà nước và cách thức tham gia của cộng đồng để tăng cường trách nhiệm giải trình về chất lượng giáo dục;
- Chất lượng dạy học của giáo viên, chiến lược và phương pháp phát triển kỹ năng siêu nhận thức, phát triển các kỹ năng chuyển đổi ở trường TH, THCS Việt Nam; những lý giải cho câu hỏi ‘Tại sao học sinh Việt Nam đạt được thành tích vượt trội ở các kỳ thi khu vực và thế giới?”
- Thực trạng và khả năng thích ứng của nhà trường Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19
- Các mô hình phân tích dữ liệu để kết nối thông tin về chính sách giáo dục, định tính và định lượng
 
 
PGS.TS. Nguyễn Thị Lan Phương, chuyên gia giáo dục, Viện KHGDVN  
   
 
TS. Tạ Ngọc Trí, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học
 
 
 
Kết thúc hội nghị GS. TS Lê Anh Vinh đã kết luận: 1. Dự án cần đảm bảo thực hiện hoạt động thu thập dữ liệu trong năm 2021 đúng tiến độ. 2. Hướng tới chia sẻ dữ liệu cho các bên liên quan để tiến hành các nghiên cứu tiếp theo. 3. Đẩy mạnh công tác truyền thông để tăng hiệu quả tác động của Dự án tới nền giáo dục.
  
Hội nghị đã thành công tốt đẹp và kết thúc vào lúc 12h30 cùng ngày.
 
 Tin bài: Nguyễn Tất Thắng, Ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục