Hội thảo trực tuyến chủ đề “Giáo dục Quyền trẻ em”

24/06/2021 16:19 GMT+7
Sáng ngày 24/06/2021, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam phối hợp với GO-HRE, Geneva Office for Human Rights Education, tổ chức hội thảo trực tuyến với chủ đề “Giáo dục Quyền trẻ em” hướng đến thúc đẩy giáo dục quyền trẻ em ở Việt Nam.

Tham dự hội thảo, về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo có ông Tạ Ngọc Trí, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học. Về phía Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, Phó Viện trưởng phụ trách Lê Anh Vinh tham dự và chủ trì hội thảo. Về phía GO-HRE có bà Ellen Holsinger, ông Don Holsinger, bà Shonnie Scott và ông Richard Scott là các chuyên gia của tổ chức. Hội thảo đã thu hút hơn gần 60 đại biểu là cán bộ quản lý, giảng viên, nhà khoa học của các cơ sở giáo dục đào tạo trong và ngoài nước.
 
Phát biểu tại hội thảo, Phó Viện trưởng phụ trách cho biết Viện Khoa học giáo dục Việt Nam không chỉ quan tâm đến các nội dung giáo dục quyền trẻ em mà còn quan tâm đến các phương pháp dạy học, và cách thức tổ chức dạy học nội dung này một cách hiệu quả. Do đó, thông qua buổi họp ngày hôm nay, ông mong muốn các diễn giả, các nhà quản lý, các nhà khoa học tích cực chia sẻ, trao đổi để có cách nhìn chung về giáo dục quyền trẻ em ở Việt Nam. Ngoài ra, theo ông Tạ Ngọc Trí, Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện đang quan tâm đến việc giáo dục các quyền trẻ em ở tất cả các cấp học.
 
Các chuyên gia của GO-RHE (trực tuyến từ trụ sở GO-RHE) cho rằng con người sinh ra trên trái đất đều có các quyền cơ bản mà không một ai cũng không một tổ chức hoặc chính phủ nào có thể tước đoạt các quyền này. Chúng ta cần đảm bảo các quyền này được thực hiện.
 
TS. Lê Xuân Tùng diễn giả từ Viện Quyền con người trình bày nội dung giáo dục quyền trẻ em ở Việt Nam. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên tham gia Công ước của Liên Hợp Quốc về Quyền trẻ em, hiện nay nội dung giáo dục quyền trẻ em đã được vào giảng dạy trong hệ thống giáo dục quốc dân thông qua Đề án 1309 (theo Quyết định số 1309/QĐ-TTg do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký ngày 05/09/2017) với mục tiêu tuyên truyền, phổ biến, giáo dục quyền con người nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người học, của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục về tầm quan trọng, ý thức tự bảo vệ các quyền của bản thân, tôn trọng nhân phẩm, các quyền và tự do của người khác; ý thức về trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân đối với nhà nước và xã hội, góp phần phát triển toàn diện con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững của đất nước.
 
Ông Đỗ Đức Lân điều phối phiên thảo luận hội thảo
 
Ở phiên thảo luận, các đại biểu quan tâm đến kinh nghiệm quốc tế, các hoạt động giáo dục và đánh giá hiệu quả giảng dạy quyền trẻ em ở Việt Nam. Cho đến nay, ở Châu Âu và Hoa Kỳ, theo các chuyên gia của GO-RHE, vẫn chưa có một bộ công cụ, bộ tiêu chí nào đánh giá chất lượng giảng dạy về quyền trẻ em. Còn đối với Việt Nam, Viện Quyền con người đang nghiên cứu đề xuất bộ chỉ số định tính và định lượng nhằm hỗ trợ xây dựng chính sách cũng như đánh giá quá trình giáo dục quyền con người ở nước ta. Bên cạnh đó, về Đề án 1309, được sự hỗ trợ của các Bộ, ban ngành liên quan, đã thực hiện rất nhiều hoạt động quan trọng như khảo sát thực trạng nhu cầu các cơ sở giáo dục, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên quản lý trực tiếp đứng lớp đối với nội dung này, xây dựng bộ tài liệu tham khảo hỗ trợ các nhóm đối tượng tham gia…
 

Diễn giả và Ban tổ chức hội thảo tại trụ sở 101 Trần Hưng Đạo
 
Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam