Tập huấn “Đổi mới trong giáo dục – Bài học Israel”

27/10/2021 23:25 GMT+7
Ngày 27/10/2021, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức khóa tập huấn “Đổi mới trong giáo dục – Bài học Israel” (Innovation in Education – Israel’s lesson). Đây là hoạt động trong khuôn khổ hợp tác giữa Viện, Đại sứ quán Israel tại Việt Nam và Trung tâm Orfri, MASHAV Israel.

Các điểm cầu của buổi tập huấn
    
Phát biểu khai mạc khoá Tập huấn, GS.TS. Lê Anh Vinh – Phó Viện trưởng phụ trách mong muốn khóa tập huấn sẽ cung cấp kiến thức, góc nhìn kinh nghiệm quý báu về đổi mới và sáng tạo trong giáo dục, những bài học kinh nghiệm từ các chuyên gia, các nhà giáo dục Israel cho các giáo viên, giảng viên và các chuyên gia giáo dục tại Việt Nam.
  
Tiếp đến, ông Nadav Eshcar, Đại sứ Israel chào mừng các đại biểu và chúc mừng 40 học viên được lựa chọn từ hơn 270 đơn đăng kí tham dự của khóa tập huấn. Ông cho rằng đổi mới giáo dục là đề tài luôn nhận được sự quan tâm của mọi người, nhất là trong thời kì dịch bệnh Covid này.
 

Bà Yudith Rosenthal trình bày nội dung tập huấn
  
Bắt đầu khóa tập huấn, bà Yudith Rosenthal, Giám đốc Trung tâm Hợp tác Quốc tế, Bộ Ngoại Giao Israel phân tích bối cảnh của sự cải tiến giáo dục và phương pháp giáo dục dành cho thế hệ Z – thế hệ của công nghệ và giao thoa văn hóa. Bà nhấn mạnh sự cần thiết của sự đổi mới trong giáo dục bằng câu nói của Darwin: “ Loài sống sót không phải là loài mạnh nhất mà là loài đáp ứng tốt nhất với sự thay đổi”. Các đại biểu và học viên quan tâm một khái niệm hoàn toàn mới mẻ của Clayton Christensen mà diễn giả đề cập tới. Đó là khái niệm “đổi mới mang tính đột phá” (Disruptive Innovation), miêu tả một sản phẩm lúc đầu có tính năng không tốt bằng những sản phẩm hiện tại, tuy nhiên, sau một thời gian cải tiến, sản phẩm này sẽ có được sự chuyển mình ngoạn mục, tạo ra một sự dịch chuyển khủng khiếp trên thị trường. Khép lại buổi học đầu tiên, bà Yudith Rosenthal nhấn mạnh rằng muốn đổi mới giáo dục cần 5 tiêu chí, đó là phương pháp, đổi mới, khả năng học, tự học và sự linh hoạt.
 
Theo chương trình dự kiến, khóa tập huấn gồm năm buổi và thực hiện vào các thứ Tư hàng tuần.
 

Các học viên tham gia khóa tập huấn trực tuyến
  
Thông tin thêm về đơn vị tập huấn, MASHAV Israel (viết tắt của tiếng Hebrew là Trung tâm Hợp tác Quốc tế, Bộ Ngoại Giao Israel) được thành lập năm 1958 với mục đích chia sẻ với các nước đang phát triển trên thế giới những thành tựu tri thức và công nghệ của Israel, với mục tiêu thúc đẩy phát triển bền vững và công bằng xã hội. Qua nhiều năm, các chương trình hợp tác của MASHAV chia sẻ những kinh nghiệm sáng tạo của Israel đối với các nước đang phát triển nhằm đóng góp vào quá trình hiện thực hóa những mục tiêu Thiên Niên Kỷ đã được Liên Hiệp Quốc đề ra. Hiện nay MASHAV đã có gần 200,000 học viên từ khoảng 140 nước trên toàn thế giới.
 
Tạp chí Khoa học Giáo dục Việt Nam