Hội thảo trực tuyến “Đổi mới cơ thế tài chính trong giáo dục Việt Nam” (Phiên làm việc buổi chiều)

17/09/2021 10:05 GMT+7
Chiều ngày 16/09/2021, theo chương trình hội thảo, nội dung làm việc buổi chiều tiến hành hai phiên: (i) Chính sách đầu tư theo phương thức hợp tác công tư (PPP) trong giáo dục, và (ii) Thực hiện tự chủ tại một số cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, với sự điều hành của Phó Viện trưởng Trần Huy Hoàng.

Phó Viện trưởng Trần Huy Hoàng điều hành các phiên làm việc buổi chiều
  
Mở đầu phiên làm việc thứ ba, TSKH. Phạm Đỗ Nhật trình bày báo cáo “Phát huy vai trò của quan hệ đối tác công tư trước những thách thức tài chính trong phát triển giáo dục đại học”. Ông đã làm rõ vai trò và tác động của PPP, từ đó chỉ ra một số giải pháp PPP mà cơ sở GDĐH Việt Nam có thể xem xét vận dụng để vượt qua các thách thức về tài chính đang được đặt ra. Tác giả khuyến nghị Bộ GD&ĐT cần xây dựng và ban hành một đề án đầu tư theo phương thức PPP trong GDĐH. Bên cạnh đó, Bộ cũng cần thành lập một đơn vị chịu trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở GDĐH triển khai thực hiện đề án theo lộ trình đã định; giám sát và đánh giá việc thực hiện để từng bước đưa giải pháp PPP vào đời sống GDĐH, góp phần hiệu quả tháo gỡ các thách thức về tài chính trong phát triển.
 
TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến với báo cáo “Phát huy vai trò của quan hệ đối tác công tư trước những thách thức tài chính trong phát triển giáo dục đại học”
  
Ở bài trình bày tiếp theo, ThS. Bùi Thanh Xuân thay mặt nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam trình bày kinh nghiệm thực hiện hợp tác công – tư trong giáo dục của Hàn Quốc và Philippines. Kinh nghiệm của cả hai quốc gia đều cho thấy, để thực hiện hiệu quả dự án PPP nói chung và trong giáo dục nói riêng thì quá trình chuẩn bị, đánh giá dự án, đấu thầu, lựa chọn, phê duyệt, giám sát… Các dự án PPP đều phải được luật hóa thông qua các quy định cụ thể, công khai minh bạch, với sự tham gia sát sao của các bên liên quan. Mỗi quy trình của từng bước trên cũng được quy định cụ thể về trình tự thủ tục, các đơn vị chủ trì, đơn vị tham gia… nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình khi nảy sinh vấn đề cần giải quyết sau này. Đặc biệt, Hàn Quốc rất coi trọng sự tham gia và năng lực thực hiện dự án PPP của cấp chính quyền và cơ quan giáo dục địa phương. Từ đó rút ra một số bài học kinh nghiệm chính cho Việt Nam, (1) Thiết lập được khung pháp lý toàn diện, chi tiết, phù hợp với các quy định quốc tế cho đầu tư PPP trong giáo dục; (2) Huy động được sự tham gia và phối hợp đồng bộ, hiệu quả của tất cả các bên liên quan đến dự án PPP trong giáo dục; (3) Xây dựng được quy trình rõ ràng, công khai minh bạch trong việc thẩm định, lựa chọn và phê duyệt dự án PPP trong giáo dục; (4) Tăng cường năng lực cho cơ quan quản lý địa phương thông qua đào tạo, hướng dẫn để họ có thể trực tiếp quản lý, vận hành, giám sát các dự án PPP trong giáo dục trên địa bàn mình phụ trách; và (5) Đầu tư PPP trong giáo dục phần lớn phù hợp với các dự án về xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho cơ sở giáo dục.
  
Bà Bùi Thanh Xuân trình bày kinh nghiệm thực hiện hợp tác công – tư trong giáo dục của Hàn Quốc và Philippines, và các bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam
  
Đại diện Ban Chấp hành Hội Luật gia tỉnh Hậu Giang, ThS. Trần Thanh Xuyên, hiện đang là giảng viên Trường Cao đẳng Cộng đồng Hậu Giang, khái quát về Chính sách đầu tư theo phương thức hợp tác công tư trong giáo dục tại Viêt Nam, qua đó làm nổi bật những kết quả, hạn chế và đề xuất một số giải pháp phát huy hiệu quả từ phương thức hợp tác công tư trong giáo dục tại Việt Nam.
  
Phiên 4 mở đầu với phần trình bày của PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Vân, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, về quan niệm về tự chủ trong cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông, một số mô hình nhà trường mầm non và phổ thông tự chủ trên thế giới, điều kiện thực tiễn của Việt Nam để thực hiện tự chủ, từ đó đề xuất mô hình trường mầm non và phổ thông tự chủ, một số giải pháp nhằm triển khai hiệu quả các nội dung tự chủ trong trường phổ thông của Việt Nam, góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.
  
PGS.TS. Nguyễn Thị Hồng Vân đề cập đến mô hình phát triển trường mầm non và phổ thông tự chủ
  
Đại diện Trường TH, THCS, THPT Thực nghiệm KHGD, Bà Lê Thị Mai Hương trình bày “Báo cáo về việc thực hiện tự chủ của nhà trường (sau một năm thực hiện)”. Nội dung khái quát những kết quả đã đạt được của Trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông Thực nghiệm Khoa học giáo dục sau một năm thực hiện tự chủ trên các phương diện: chuyên môn; tài chính, cơ cấu tổ chức bộ máy, nhân sự; một số những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện. Từ đó đưa ra một số đề xuất về xây dựng chính sách liên quan đến việc chuyển đổi sang mô hình tự chủ đối với các trường công lập: (i) Năng lực của nhà trường; (ii) Sự thay đổi nhận thức, quan điểm và cách làm của cơ quan quản lý ngành giáo dục địa phương; (iii) Xây dựng những văn bản hướng dẫn dưới luật một cách rõ ràng hơn.
  

Bà Lê Thị Mai Hương báo cáo thực hiện tự chủ Trường TH, THCS, THPT Thực nghiệm KHGD sau một năm thực hiện

  
Ở cấp mần mon, bà Trần Thị Phương Dung, đại diện Trường Mầm non Sài Đồng, Hà Nội, mang tới hội thảo tham luận “Xây dựng trường chất lượng cao theo mô hình tự chủ của trường mầm non chất lượng cao đô thị Sài Đồng”. Bà chia sẻ những kết quả bước đầu của trường Mầm non Sài Đồng, những khó khăn mà nhà trường đang đối diện, những phương hướng để nhà trường tiếp tục khẳng định thương hiệu để từng bước phát triển. Đó là được tự chủ về chương trình và áp dụng phương pháp giảng dậy tiên tiến theo hướng hội nhập Quốc tế. Điều đó đã khuyến khích đội ngũ giáo viên tích cực chủ động sáng tạo và tâm huyết, đồng thời giúp trẻ chủ động, tự tin và hứng thú tham gia các các hoạt động theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm.
 
Bà Trần Thị Phương Dung trình bày kinh nghiệm xây dựng trường chất lượng cao theo mô hình tự chủ của trường mầm non chất lượng cao đô thị Sài Đồng 
  
Trong phần trao đổi và thảo luận, các diễn giả và đại biểu đều nhất trí rằng Bộ GD&ĐT và các cơ quan liên ngành đã ban hành một số chính sách tạo điều kiện đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục, tuy nhiên để thực hiện chủ trương này một cách thật sự hiệu quả thì vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu và giải quyết cả từ lý luận và thực tiễn. Các báo cáo đã đi sâu phân tích bối cảnh của thế giới cũng như thực tiễn áp dụng tại một số địa phương ở Việt Nam, từ đó các bài học cũng như các khuyến nghị đều mang tính ứng dụng cao.
  
Hình ảnh các đại biểu tham dự hội thảo
  
Các nội dung thảo luận tại hội thảo cho thấy rằng trong bối cảnh phát triển toàn cầu hiện nay, đứng trước thách thức kép của đại dịch COVID-19 và cuộc cách mạng khoa học công nghệ, lợi thế cạnh tranh lớn nhất không phải tài nguyên, công nghệ mà là con người. Ai có nhân tài, sẽ nắm trong tay lợi thế cạnh tranh và phát triển trong thời đại mới. Hơn bao giờ hết, chúng ta cần phải huy động tất cả các nguồn lực cho giáo dục với mục tiêu phát triển nguồn lực con người. Ban tổ chức cùng các đại biểu hi vọng nội dung hội thảo sẽ góp phần cho việc thực thi hiệu quả các chính sách về tài chính giáo dục trong thời gian tới.
  
Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam