Hội thảo “Giáo dục vùng Dân tộc thiểu số, miền núi- Những vấn đề lý luận và thực tiễn”

14/10/2021 14:51 GMT+7
Ngày 12/10/2021, Ban nghiên cứu Giáo dục Dân tộc, Viện KHGD Việt Nam tổ chức hội thảo trực tiếp và trực tuyến “Giáo dục vùng Dân tộc thiểu số, miền núi- Những vấn đề lý luận và thực tiễn”. Hội thảo nằm trong chuỗi sự kiện chia sẻ các kết quả nghiên cứu liên quan đến các vấn đề về giáo dục ở vùng Dân tộc thiểu số và miền núi. Trưởng Ban Nghiên cứu Giáo dục Dân tộc Trần Thị Yên chủ trì hội thảo.

Tham dự hội thảo, về phía khách mời có Phó Vụ trưởng Vụ Dân tộc, thành viên Hội đồng Dân tộc Quốc Hội, Đặng Vũ Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Lê Như Xuyên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hoá Dân tộc, Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Dân tộc – Học Viện Dân tộc Vũ Thị Thanh Minh, đại diện đến từ vụ Giáo dục Tiểu học, các tổ chức Quốc tế UNICEF, PLAN, AEA và hơn 40 đại biểu là các chuyên gia, các nhà khoa học, giáo viên của các cơ sở giáo dục đến từ Điện Biên, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai, Gia Lai, Đăk Nông, Đăk Lăk, Kon Tum, Ninh Thuận, Trà Vinh và Vũng Tàu. Về phía Viện, có sự tham dự của Phó viện Viện trưởng Phụ trách Viện KHGDVN Lê Anh Vinh, cùng toàn thể cán bộ của Ban nghiên cứu Giáo dục dân tộc.
  
TS. Trần Thị Yên phát biểu khai mạc hội thảo
   
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Trần Thị Yên nhấn mạnh giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt giáo dục đối với người dân tộc thiểu số cần được quan tâm hơn nữa trong bối cảnh đổi mới. Chính vì vậy, vấn đề về chính sách, về hệ thống trường lớp, và nội dung, phương pháp giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi cần phải được chú trọng. TS Trần Thị Yên tin tưởng rằng hội thảo sẽ là cơ hội để các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia và giáo viên chia sẻ thông tin cũng như góc nhìn về giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi, nhằm cung cấp đầy đủ hơn những luận cứ, luận chứng về giáo dục dân tộc từ đó đưa ra những đề xuất, giải pháp và khuyến nghị giúp tham mưu trong công tác quản lý giáo dục dân tộc.
  
Các đại biểu lắng nghe các báo cáo tại hội thảo
 
Hội thảo có sáu bài báo cáo chính, hai bài tham luận và đan xen là các phần hỏi - đáp và thảo luận giữa các nhà quản lý, chuyên gia giáo dục và những người tham dự. Nội dung của các báo cáo tập trung làm rõ các vấn đề cần đặt ra đối với chính sách trong bối cảnh đổi mới, xu hướng trong giai đoạn tới của hệ thống trường lớp các cấp/bậc học và những vấn đề về nội dung, phương pháp giáo dục đặc thù cho người dân tộc thiểu số. Nội dung bàn về tiếng chữ và văn hoá dân tộc thiểu số cũng được quan tâm trao đổi với nhiều ý kiến phong phú và hữu ích.
GS. TS. Lê Anh Vinh Phó phát biểu chỉ đạo hội thảo
 
Đến dự và chỉ đạo hội thảo, GS.TS. Lê Anh Vinh, Phó Viện trưởng phụ trách Viện KHGDVN đã có những ý kiến phát biểu chỉ đạo, định hướng và ghi nhận những thành tựu trong nghiên cứu khoa học, những thành công, những kết quả đạt được và những cố gắng trong những năm vừa qua của Ban Nghiên cứu Giáo dục Dân tộc. Bên cạnh đó, GS cũng giao một số nhiệm vụ đối với Ban NCGDDT, trong đó cần làm rõ hơn vai trò tham mưu cho Viện, cho Bộ GD&ĐT trong công tác nghiên cứu liên quan đến những vấn đề về đánh giá những tác động chính sách, về những nghiên cứu chuyên sâu các mô hình dạy học, việc vận dụng công nghệ thông tin trong dạy học khi có những diễn biến bất thường (thiên tai, dịch bệnh) xảy ra đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi nhằm tạo cơ hội cho tất cả học sinh người dân tộc thiểu số được tiếp cận công bằng trong giáo dục .
  
Hội thảo đã thành công tốt đẹp, thể hiện được sự quan tâm, ý kiến chia sẻ, định hướng từ lãnh đạo Vụ Dân tộc, Hội đồng Dân tộc Quốc hội, lãnh đạo Vụ Giáo dục Dân tộc và rất nhiều ý kiến chia sẻ từ các nhà nghiên cứu, những giáo viên trực tiếp đứng lớp và cán bộ quản lí đến từ các Sở GD&ĐT, các trường học vùng dân tộc thiếu số và miền núi. Các ý kiến góp ý có ý nghĩa rất thiết thực, quan trọng, góp phần thúc đẩy và phát triển bền vững giáo dục vùng dân tộc thiếu số và miền núi. Phát biểu bế mạc hội thảo,TS. Trần Thị Yên gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các vị đại biểu đã tham dự hội thảo đồng thời cũng tiếp thu những ý kiến chỉ đạo, định hướng của lãnh đạo Vụ, lãnh đạo Viện, những góp ý của đại biểu, của các thầy /cô giáo sẽ làm dày thêm thông tin cho các nghiên cứu tiếp theo.
  
Ban nghiên cứu Giáo dục Dân tộc