Hội thảo quốc tế về Giáo dục Toán học

14/10/2021 14:33 GMT+7
Sáng ngày 14/10/2021, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế về Giáo dục Toán học - WME 2021 (The International Workshop on Mathematics Education 2021) theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến. Đây là một sự kiện thường niên nhằm thúc đẩy các nghiên cứu trong lĩnh vực giáo dục toán học. Năm nay, Hội thảo quốc tế về Giáo dục Toán học còn là một hoạt động trọng tâm hướng tới kỉ niệm 60 thành lập Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (06/12/1961 - 06/12/2021).

Hội thảo là diễn đàn quốc tế để các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý, các chuyên gia giáo dục toán học và các thầy, cô giáo, sinh viên sư phạm Toán ở trong nước và trên thế giới trao đổi, thảo luận, đánh giá về những thành tựu trong lĩnh vực Toán học. Nội dung của hội thảo bao trùm nhiều chủ đề, bao gồm nghiên cứu nghiên cứu dạy và học môn Toán, phát triển chương trình môn Toán, đào tạo đội ngũ giáo viên dạy học Toán, đánh giá kết quả học tập môn Toán, giáo dục Toán học gắn với thực tiễn, Toán học trong giáo dục STEM, ứng dụng công nghệ trong dạy và học Toán, Giáo dục năng khiếu Toán, và nhiều nội dung khác có liên quan.
 
Hội thảo đã thu hút hơn 300 người tham dự bao gồm các khách mời, diễn giả, chuyên gia, nhà giáo dục và những người quan tâm và yêu thích Toán học đến từ gần 20 quốc gia trên thế giới bao gồm Việt Nam, Mỹ, Singapore, Hàn Quốc, Philippines, Anh, Úc,…
  

GS. TS. Lê Anh Vinh (bên trái) và GS.TS. Nguyễn Hữu Châu (bên phải) điều hành phiên họp tổng thể thứ nhất
  
Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS. Lê Anh Vinh - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam chào mừng và gửi lời cảm ơn tới toàn thể các chuyên gia, khách mời và đại biểu đã đóng góp và tham gia hội thảo. Ông cho biết vấn đề dạy toán cho học sinh cần chỉ ra sự liên quan giữa toán học và đời sống thực, đồng thời chỉ cho học sinh thấy tầm quan trọng của việc học toán. Bên cạnh đó, các nhà toán học, các nhà giáo dục cần ngẫm nghĩ về vai trò của toán học trong tương lai, những năng lực học sinh cần có để không chỉ giải quyết câu hỏi toán học mà giải quyết các vấn đề liên quan đến toán học trong cuộc sống. Trong bối cảnh Việt Nam bắt đầu Chương trình giáo dục phổ thông mới được một năm và đang tiếp tục chuyển đổi trọng tâm chương trình sang phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh, Toán học đóng vai trò quan trọng với học sinh để chuẩn bị hành trang đầy đủ cho cuộc sống tương lai.
  

GS. Jon R. Star trình bày bài tham luận với chủ đề “Tính linh hoạt trong toán học: Trọng tâm đầy hứa hẹn cho nghiên cứu và thực hành”
   
Theo chương trình, trong buổi sáng ngày 14/10, hội thảo tổ chức một phiên họp toàn thể và một phiên họp chuyên đề. Phiên toàn thể được điều hành bởi GS.TS. Nguyễn Hữu Châu - Đại học Quốc gia Hà Nội. GS. Jon R. Star - Đại học Havard, Hoa Kỳ, mở đầu với chủ đề “Tính linh hoạt trong toán học: Trọng tâm đầy hứa hẹn cho nghiên cứu và thực hành”. Bài trình bày của giáo sư gồm bốn nội dung chính, đó là những cân nhắc liên quan đến định nghĩa về tính linh hoạt, đánh giá về tính linh hoạt, những kết quả nghiên cứu gần đây về tính linh hoạt, và đề xuất những hướng nghiên cứu tiếp theo. GS. Jon nhấn mạnh về tính linh hoạt trong giải quyết vấn đề đối với (i) việc sẵn sàng sửa đổi các chiến lược giải quyết vấn đề khi đối mặt với các vấn đề thách thức, khó khăn giải quyết vấn đề hoặc thất bại, (ii) sẵn sàng thay đổi chiến lược dựa trên các điều kiện hoặc mục tiêu giải quyết vấn đề cụ thể, (iii) các mục tiêu có thể bao gồm hiệu quả, tránh sai sót, chính xác, dễ dàng.
 

PGS.TS. Đỗ Tiến Đạt điều hành phiên họp chuyên đề về “Phát triển chương trình”
  
Tiếp đến, PGS.TS. Đỗ Tiến Đạt - Viện KHGDVN điều hành phiên họp chuyên đề thứ nhất với chủ đề “Phát triển chương trình”. Có bốn báo cáo được trình bày ở phiên này. Báo cáo thứ nhất, “Phát triển chương trình giảng dạy toán học có liên quan đến văn hóa bằng cách sử dụng các phương pháp tiếp cận xuyên ngành” do GS. Catherine P. Vistro-Yu - Đại học Ateneo Manila, Philippines trình bày. Theo GS, trong giáo dục vì sự phát triển bền vững, đa ngành và liên ngành cho phép đạt được hiểu biết về tính bền vững dựa trên nội dung trong khi xuyên ngành không chỉ bao gồm sự hiểu biết tổng hợp mà còn là cách tiếp cận quan trọng và sự chuẩn bị cho hành động. Toán học là một phần cơ bản của suy nghĩ và logic của con người, và không thể thiếu trong những nỗ lực tìm hiểu về thế giới và bản thân. Toán học giúp xây dựng hiệu quả tính kỷ luật và khuyến khích suy luận logic. Ngoài ra, kiến thức toán học đóng một vai trò quan trọng trong việc hiểu nội dung của các môn học khác ở trường như khoa học, nghiên cứu xã hội, và thậm chí cả âm nhạc và nghệ thuật.
 
Báo cáo thứ hai của hai tác giả, GS.TS. Đỗ Đức Thái - Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và PGS.TS. Đỗ Tiến Đạt - Viện KHGDVN, về “Giáo dục Toán học ở nhà trường phổ thông Việt Nam trong bối cảnh đổi mới chương trình và sách giáo khoa”. Nội dung trình bày liên quan đến tiềm năng giáo dục và và phát triển của toán học là rất lớn. Giáo dục toán học có ý nghĩa, có tầm quan trọng thực tiễn to lớn, góp phần đặc biệt trong sự hình thành, phát triển chung của năng lực, phẩm chất, những nét tính cách cũng như khả năng làm việc trí óc của con người. Chương trình giáo dục phổ thông mới yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học theo hướng “năng lực giải quyết vấn đề”, tăng cường hoạt động thực hành, trải nghiệm, vận dụng kiến thức toán học vào thực tế.
 
Tiếp theo là báo cáo “Khai thác một số tình huống, bài toán trong nội dung chương trình môn Toán trung học phổ thông theo hướng làm rõ mối liên hệ giữa Toán học với thực tiễn ngành nghề trong xã hội” của TS. Phạm Thị Hồng Hạnh - Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2. Báo cáo đã khuyến nghị từ việc tìm được mối liên hệ giữa các tri thức ngành nghề có liên quan đến các đơn vị kiến thức toán học của học sinh, giáo viên cần gia công, thiết kế các tình huống, bài toán gắn với thực tiễn các nghề nghiệp phổ biến trong xã hội. Qua đó, học sinh có điều kiện tìm hiểu và tiếp xúc với nhiều ngành nghề khác nhau, biết được những thông tin về nhu cầu lao động trong lĩnh vực này, xác định được những đòi hỏi của nghề, và tạo điều kiện cho việc mở rộng kiến thức, phát triển năng lực.
 
Báo cáo cuối về “Kí hiệu Toán học trong giáo dục Toán học và phát triển năng lực giao tiếp toán học trong môn toán phổ thông ở Việt Nam” của TS. Lê Văn Hồng - Đại học Thủ đô Hà Nội. Báo cáo tập trung phân tích một số luận điểm và kết quả về ngôn ngữ toán học và biểu diễn toán học, phân tích các luận điểm về năng lực giao tiếp toán học, khai thác tiếp cận Kí hiệu học trong giáo dục toán học để phát triển năng lực giao tiếp toán học ở môn Toán ở Việt Nam.
 

Các đại biểu tham dự hội thảo
  
Chương trình hội thảo tiếp tục diễn ra trong hai ngày 14-15/10/2021. Nội dung hội thảo tiếp tục được trình bày ở ba phiên tổng thể về (1) Lỗi và sai lầm trong toán học và thuyết kiến tạo xã hội, (2) Thảo luận giáo dục cho học sinh năng khiếu toán trên thế giới; và (3) Thảo luận giáo dục cho học sinh năng khiếu toán tại Việt Nam. Bên cạnh đó là các phiên họp chuyên đề về đào tạo giáo viên Toán, sử dụng công nghệ trong giáo dục Toán; và Toán học trong giáo dục STEM và Toán thực.
 
Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam