Hội thảo “Tổng kết thành tựu nghiên cứu giáo dục thường xuyên 2010 – 2020 và định hướng nghiên cứu giai đoạn 2021 - 2030”

19/11/2021 13:18 GMT+7
Ngày 19/11/2021, trong chuỗi các hoạt động hướng tới kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (06/12/1961 – 06/12/2021), kỷ niệm 55 thành lập Ban Nghiên cứu Giáo dục thường xuyên, đơn vị tổ chức hội thảo “Tổng kết thành tựu nghiên cứu giáo dục thường xuyên 2010 – 2020 và định hướng nghiên cứu giai đoạn 2021 - 2030”.

  Phó Viện trưởng Nguyễn Đức Minh phát biểu chúc mừng đơn vị nhân dịp kỷ niệm 55 năm ngày thành lập
 
Hội thảo có sự tham dự của PGS. TS. Nguyễn Đức Minh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, đại diện các phòng chức năng, các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục thường xuyên, cùng các viên chức thuộc đơn vị.
  
Mở đầu hội thảo, Ths Bùi Thanh Xuân, Phó Trưởng Ban Nghiên cứu Giáo dục thường xuyên tổng kết những nghiên cứu lĩnh vực giáo dục thường xuyên giai đoạn 2010 – 2020, trong đó đưa ra những đánh giá về giáo dục người lớn, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập; các mô hình, chương trình và quản lý giáo dục thường xuyên; những nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông và E-learning trong giáo dục thường xuyên.
  

Trưởng Ban nghiên cứu Giáo dục thường xuyên trình bày định hướng nghiên cứu giai đoạn 2021-2030
 
TS. Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng Ban Nghiên cứu giáo dục thường xuyên khẳng định những kết quả đáng kể của đơn vị trong 10 năm qua. Nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực giáo dục thường xuyên trong thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn do nhận thức của xã hội về vị trí, vai trò của giáo dục thường xuyên trong việc xây dựng hệ thống giáo dục mở, hệ thống giáo dục/ học tập suốt đời; kinh phí dành cho nghiên cứu giáo dục thường xuyên còn chưa thỏa đáng với chức năng nhiệm vụ của ngành học.
  
Với định hướng nghiên cứu giáo dục thường xuyên giai đoạn 2021 – 2030, hội thảo thảo luận các định hướng nghiên cứu trong nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu các mô hình học tập, nghiên cứu hệ thống mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên, các chương trình, cách tổ chức thực hiện, việc quản lý và chính sách giáo dục thường xuyên cũng như nghiên cứu về đánh giá giáo dục thường xuyên.
  
Trong báo cáo “Xây dựng môi trường tâm lý an toàn cho việc học tập của người lớn”, ThS. Bùi Thanh Xuân đưa ra quan điểm về “môi trường học tập an toàn” đối với người lớn, sự cần thiết của môi trường này cho việc học của người lớn. Và để tạo ra một môi trường học tập an toàn cho học viên người lớn, chúng ta cần phải chấp nhận, tôn trọng sự khác biệt và đa dạng trong lớp học; tạo cảm giác gắn kết và tin cậy trong lớp học; xây dựng mối quan hệ tích cực với học viên người lớn. Mục đích cuối cùng là để có được sự cân bằng phù hợp giữa việc duy trì sự an toàn và tạo ra các thách thức, giữa việc cung cấp cho người học cơ hội để tiến bộ và đảm bảo một không gian an toàn cho học cảm thấy tự tin học hỏi, tự tin bước tới.
  
Đối với giáo dục thường xuyên, việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông thực hiện chuyển đổi số trong bối cảnh đại dịch Covid càng có ý nghĩa, vai trò quan trọng. Báo cáo “Mô hình trường học ảo đáp ứng nhu cầu học tập cho học viên gióa dục thường xuyên” của TS. Nguyễn Minh Tuấn, ThS. Nguyễn Duy Long và ThS. Vũ Thị Phương Thảo thu hút sự quan tâm của toàn bộ hội trường. Mô hình trường học ảo được cấu trúc bao gồm các chức năng quản lý trường học, quản lý tài nguyên, quản lý người tham gia, quản lý không gian giao tiếp. Trên cơ sở mô hình chức năng, nhóm nghiên cứu thiết kế cấu trúc và xây dựng website Trường học ảo và đưa ra một số đề xuất kiến nghị cần tiếp tục thực hiện trong thời gian tới. Cụ thể là Bộ Giáo dục và Đào tạo cần coi mô hình Trường học ảo, các hệ thống E-learning như là những mô hình học tập chính thức trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0; cần tập huấn chuyển giao, triển khai nhân rộng đến các cơ sở có điều kiện và có nhu cần; ngành giáo dục thường xuyên cần có chính sách khuyến khích giáo viên tự học, tự bồi dưỡng qua E-learning nhằm đáp ứng nhu cầu của người học.
  
  Đại diện đơn vị nhận lẵng hoa chúc mừng kỷ niệm 55 năm ngày thành lập
  
Kết thúc hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Đức Minh ghi nhận những khó khăn, thách thức về nhân sự, điều kiện nghiên cứu của Ban nghiên cứu giáo dục thường xuyên, nhận thức về vai trò của giáo dục thường xuyên của xã hội còn chưa xứng tầm. PGS đưa ra những kinh nghiệm quốc tế về giáo dục thường xuyên, từ đó khẳng định sự quan trọng của giáo dục thường xuyên và học tập suốt đời. Ông cho rằng muốn phát triển giáo dục thường xuyên, chúng ta cần tận dụng cách mạng công nghệ 4.0, kết nối các nguồn lực của xã hội, gắn với thực tiễn đời sống.
  
Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam