Hội thảo “Định hướng phát triển chương trình giáo dục mầm non theo tiếp cận năng lực ở Việt Nam sau 2020”

18/11/2021 14:56 GMT+7
Ngày 18/11/2021, tại trụ sở số 04 Trịnh Hoài Đức, Trung tâm nghiên cứu Giáo dục mầm non tổ chức hội thảo “Định hướng phát triển chương trình giáo dục mầm non theo tiếp cận năng lực ở Việt Nam sau 2020” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Hội thảo có sự tham dự của Viện trưởng Lê Anh Vinh, các vị đại biểu là chuyên gia các cơ sở giáo dục đào tạo trong nước, nguyên cán bộ của trung tâm. Về phía trung tâm, có PGS. TS. Nguyễn Thị Mỹ Trinh, Giám đốc trung tâm, cùng toàn thể cán bộ nghiên cứu của đơn vị.
 
Ông Lê Anh Vinh phát biểu hội thảo hội thảo
  
Bắt đầu chương trình hội thảo, TS. Lê Thị Luận, Phó giám đốc trung tâm, trình bày lịch sử hình thành, phát triển và hoạt động nghiên cứu khoa học của trung tâm trong giai đoạn 2010 – 2020. Trong mười năm qua, trung tâm đã thực hiện một đề tài cấp Nhà nước, 11 đề tài/nhiệm vụ cấp Bộ và 11 đề tài/nhiệm vụ cấp Viện. Bên cạnh đó là điểm sáng về các hoạt động hợp tác quốc tế và công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ. Định hướng phát triển giai đoạn tới, trung tâm đẩy mạnh nghiên cứu cơ bản, cung cấp cơ sở sinh lý học, tâm lý học, giáo dục học của việc chăm sóc, giáo dục trẻ lứa tuổi trẻ mầm non, đặc biệt quan tâm đến việc đổi mới trong thời kỳ kỹ thuật số.
  
Tiếp đến, TS. Hồ Lam Hồng, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu sư phạm, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, trao đổi về chuẩn trẻ em mầm non và việc xây dựng chương trình giáo dục mầm non sau năm 2020. Theo đó, những kỳ vọng đối với trẻ em độ tuổi mầm non trong tương lai bao gồm những giá trị chung (như hạnh phúc, yêu thương, tôn trọng…), các năng lực chung (giao tiệp, thích ứng, hợp tác…) và các năng lực chuyên môn (năng lực thể chất, năng lực ngôn ngữ, năng lực công nghệ…) cần hướng tới của trẻ.
  
Bà Nguyễn Thị Mỹ Trinh trình bày quan điểm phát triển chương trình giáo dục mầm non sau 2020
  
Về định hướng phát triển chương trình giáo dục mầm non sau 2020, bà Nguyễn Thị Mỹ Trinh đề xuất quan điểm tiếp cận lấy trẻ em làm trung tâm dựa trên cơ sở các luận cứ khoa học về giáo dục và sự phát triển của trẻ lem lứa tuổi mầm non, vui chơi là hoạt động chủ đạo và là phương thức hoạt động hiệu quả của trẻ mầm non. Bên cạnh đó là quan điểm tiếp cận toàn diện và tích hợp, hòa nhập, công bằng, văn hóa và liên/đa văn hóa và tiếp cận theo hướng mở.
  
TS. Hoàng Thị Nho trình bày nội dung giáo dục hòa nhập trong chương trình giáo dục mầm mon hiện nay và đề xuất định hướng đổi mới sau 2020. Dựa trên tìm hiểu, phân tích chương trình giáo dục mầm non hiện hành, tham khảo một số chương trình giáo dục mầm non nước ngoài (Phần Lan, Úc, Hồng Kông, New Zealand, Nhật Bản), bà đề xuất đổi mới chương trình hòa nhập trong chương trình giáo dục mầm non sau năm 2020.
  
Hội thảo tiếp tục với hai phiên thảo luận về giá trị, năng lực chung của trẻ mầm non, cấu trúc thành tố của Chương trình giáo dục mầm non, năng lực cụ thể của trẻ mềm non ở các lĩnh vực Toán, Công nghệ, Khám phá khoa học, Ngôn ngữ và giao tiếp.
  
Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam