Lãnh đạo Viện làm việc với Đoàn chuyên gia Ngân hàng Thế giới

27/08/2022 23:56 GMT+7
Ngày 26/08/2022, tại Phòng họp A4, Lãnh đạo Viện tiếp và làm việc với Đoàn chuyên gia Ngân hàng Thế giới về dự án “Nâng cao chất lượng giáo dục học sinh khiếm thính cấp tiểu học thông qua ngôn ngữ ký hiệu” (gọi tắt là dự án QIPEDC).

Tham dự buổi làm việc có Phó Viện trưởng Nguyễn Đức Minh, Trưởng nhóm dự án, cùng các thành viên của dự án; đại diện Ban Quản lý dự án thuộc Bộ Giáo dục & Đào tạo. Về phía Đoàn công tác có ông Douglas Summerfield, đại diện Ngân hàng Thế giới và ông Lauri Pynnonen, chuyên gia giáo dục cấp cao của Ngân hàng Thế giới.
 
Mở đầu buổi làm việc, GS.TS. Nguyễn Đức Minh giới thiệu với đại diện của Ngân hàng Thế giới về chức năng, nhiệm vụ và các chuyên ngành đào tạo của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, đặc biệt là về Trung tâm Giáo dục Đặc biệt Quốc gia, nơi có rất nhiều chuyên gia tham gia dự án này.
 
 
Toàn cảnh hội trường
  
Tiếp theo chương trình, ông Lê Tuấn Đức, đại diện nhóm nghiên cứu trình bày kết quả của dự án “Nâng cao chất lượng giáo dục học sinh khiếm thính cấp tiểu học thông qua ngôn ngữ ký hiệu”. Ông cho biết dự án đã đem lại lợi ích cho số lượng không nhỏ (đối với khoảng 2000 lượt học sinh khiếm thính) tại các vùng miền: miền núi phía Bắc và Trung du, đồng bằng Bắc bộ, duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long. Tiếp cận dạy học sinh khiếm thính cấp tiểu học thông qua ngôn ngữ ký hiệu đã được thực hiện hiệu quả, là minh chứng cho tiếp cận mới ở Việt Nam. Tuy nhiên kết quả của dự án cần được nhân rộng ra những địa phương chưa có điều kiện thực hiện, tham gia dự án. Do đó, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới để các sản phẩm của dự án được chuyển giao, phổ biến để nhiều người có thể khai thác miễn phí.
 
Đại diện Ngân hàng thế giới vui mừng khi thấy các sản phẩm, tài liệu của dự án đã được sử dụng và hỗ trợ đắc lực cho việc học tập của học sinh khiếm thính và dự án đã góp phần tạo ra nguồn nhân lực đảm bảo cho chất lượng giáo dục. Đồng thời đánh giá cao các báo cáo của dự án và mong sẽ được đồng hành cùng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam trong các dự án tiếp theo.
  
Tạp chí Khoa học Giáo dục Việt Nam