Hội thảo công bố “Báo cáo Phân tích Ngành Giáo dục Việt Nam 2011 – 2020”

08/08/2022 15:33 GMT+7
Ngày 8/8/2022, tại Khách sạn Melia Hà Nội, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp UNESCO tại Việt Nam tổ chức hội thảo công bố “Báo cáo Phân tích ngành Giáo dục Việt Nam giai đoạn 2011-2020” theo hai hình thức trực tiếp và trực tuyến. Hội thảo cung cấp bức tranh toàn cảnh về sự phát triển giáo dục trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục, chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020 trong bối cảnh tình hình kinh tế-xã hội có nhiều thay đổi.

 
Các đại biểu tham dự hội thảo
  
Tham dự hội thảo có đại diện UNESCO tại Việt Nam, UNICEF tại Việt Nam, VVOB, VAEFA, đại diện Lãnh đạo các Vụ, Cục thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại diện các trường đại học, các đơn vị, tổ chức đoàn thể và cơ quan quản lý giáo dục các địa phương, các tổ chức quốc tế và các thầy, các cô, các nhà khoa học, cùng các chuyên gia quan tâm tới hội thảo.
   
 
Viện trưởng Lê Anh Vinh phát biểu khai mạc hội thảo
  
Sau lời chào mừng các đại biểu đến tham dự hội thảo, GS. TS. Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết việc xây dựng báo cáo phân tích ngành giáo dục là công việc cần làm sau mỗi 10 năm nỗ lực cải thiện chất lượng ngành giáo dục. Trong những năm gần đây, các con số đã thể hiện trong bản báo cáo cho thấy Việt Nam đã làm rất tốt trong việc thúc đẩy phổ cập giáo dục, cải thiện các vấn đề về bất bình đẳng trong tiếp cận, cũng như duy trì mặt bằng chất lượng giáo dục ở nhóm cao trên thế giới so với mức thu nhập bình quân đầu người. Tuy nhiên, chúng ta cũng không phủ nhận những tồn tại còn hiện hữu, có thể là về góc độ hệ thống, về chương trình, về nguồn nhân lực, hay về cơ sở hạ tầng…
   
 
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc phát biểu trên nền tảng trực tuyến
  
Với chức năng là một cơ quan nghiên cứu khoa học giáo dục phục vụ phát triển chính sách, trong quá trình xây dựng báo cáo, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã huy động mọi nguồn lực để có được những số liệu và minh chứng đầy đủ, xuyên suốt, toàn diện và xác thực nhất làm cơ sở cho những nhận định và phân tích đảm bảo tính khoa học. Ông gửi lời cảm ơn sự tài trợ từ Quỹ hỗ trợ phát triển giáo dục toàn cầu, hỗ trợ kỹ thuật từ đội ngũ chuyên gia quốc tế thuộc Viện Quy hoạch giáo dục quốc tế IIEP; UNICEF với vai trò là cơ quan điều phối và quản lý viện trợ của dự án; các thành viên của nhóm công tác giáo dục tại Việt Nam cũng đã tích cực hỗ trợ và tham mưu quý báu trong quá trình xây dựng báo cáo. Sự phối hợp và hỗ trợ của các đơn vị như tổng cục thống kê, các Vụ, Cục thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân, sở ban ngành của các địa phương và các đối tác phát triển.
  
 
Ông Christian Manhart cam kết thúc đẩy công bằng trong giáo dục cho tất cả mọi người 
  
Ông Christian Manhart, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam chúc mừng Việt Nam đã hoàn thành báo cáo phân tích ngành giao đoạn 2011-2020. Ông cho biết chiến lược phát triển 10 năm vừa qua là cơ hội để nhìn nhận sâu hơn các chiến lược, nhìn lại những thành tựu và hạn chế từ phân tích này. Từ đó xác định các lĩnh vực ưu tiên, đề ra các giải pháp làm cơ sở hướng tới việc thiết kế những mục tiêu và hoài bão lớn hơn cho chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030. UNESCO cam kết đồng hành cùng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam trên chặng đường sắp tới trong công cuộc đẩy mạnh phát triển công bằng, bền vững cho tất cả mọi người Việt Nam.
   
 
GS. TS. Lê Anh Vinh trình bày báo cáo phân tích ngành giáo dục Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020
  
Mở đầu hội thảo là báo cáo Phân tích ngành Giáo dục Việt Nam 2011 – 2020 do GS. TS. Lê Anh Vinh trình bày. Chủ đề xuyên suốt trong báo cáo Phân tích ngành là Tiếp cận, Công bằng và Chất lượng giáo dục của hệ thống giáo dục, đồng thời tập trung phân tích hai chủ đề khác là Quản lý nhân lực và Tài chính giáo dục. Báo cáo Phân tích ngành Giáo dục Việt Nam giai đoạn 2011-2020 có cấu trúc gồm 7 chương: Chương 1 phân tích bối cảnh tác động đến giáo dục; Chương 2 đánh giá thực trạng tiếp cận và công bằng giáo dục; Chương 3 phân tích chất lượng giáo dục mầm non và phổ thông; Chương 4 tập trung thảo luận về mô hình phát triển giáo dục thường xuyên và học tập suốt đời; Chương 5 phân tích vấn đề cơ bản về giáo dục đại học; Chương 6 bàn về các vấn đề quản lý giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; và Chương 7 tập trung vào một số khía cạnh tài chính trong giáo dục.
  
 
GS. TS. Nguyễn Hữu Châu chia sẻ về thành tựu và tồn tại của giáo dục Việt Nam giai đoạn vừa qua
  
Thảo luận về nội dung báo cáo, GS Nguyễn Hữu Châu, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đánh giá cao nỗ lực của nhóm tác giả thực hiện báo cáo. Báo cáo mô tả bức tranh toàn cảnh của giáo dục Việt Nam 2011-2020, những thành tựu và tồn tại trong hệ thống giáo dục Việt Nam nói chung và các hệ thống giáo dục từng cấp nói riêng. Tuy nhiên cần bàn thêm về sự chuyển đổi giữa các cấp nhằm cho thấy sự liền mạch trong toàn hệ thống, để cho thấy sức khỏe của toàn hệ thống đồng nghĩa với sức khỏe của các hệ thống theo cấp học. Ngoài ra, ông chia sẻ lực lượng lao động trình độ cao còn chưa đáp ứng thị trường lao động, tỷ lệ người lao động tìm được việc theo đúng trình độ đào tạo còn thấp, trình độ nguồn nhân lực còn hạn chế, thiếu các năng lực đáp ứng công việc. Các trường đại học không chỉ là nơi đào tạo mà còn cần là nơi tạo ra tri thức. Hơn nữa, cần phân biệt rõ ràng đại học dựa trên định hướng nghiên cứu và đại học nghiên cứu và cần có định hướng xây dựng đại học nghiên cứu thực thụ.
  
 
GS. TS. Nguyễn Thị Mỹ Lộc chia sẻ góc nhìn về giáo dục Việt Nam
  
GS. TS. Nguyễn Thị Mỹ Lộc, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng bày tỏ lòng khâm phục với nhóm tác giả biên soạn báo cáo. Báo cáo đã lượng hóa được một số khía cạnh, một số vấn đề quý giá, làm căn cứ để đưa ra các biện pháp giải quyết vấn đề cấp thiết trong thời gian tới. Tuy nhiên báo cáo cũng cần đề cập tới những câu chuyện về mà không con số nào thể hiện được đó là niềm tin, tinh thần tự học, hiếu học giờ lại biến tướng thành mua bán bằng cấp, tạo nên một nền giáo dục thực dụng.
  
 
TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến đề cập đến những vấn đề giáo dục Việt Nam cần cải thiện trong thời gian tới
  
TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến góp ý với nhóm tác giả với hai vấn đề: 1) Giáo dục Việt Nam đã trên hành trình thực hiện giai đoạn 2011 – 2020; 2) Nhiệm vụ của nhà hoạch định chính sách phải nhận dạng được trong thời gian tới những vấn đề cần cải thiện và những vấn đề cần ưu tiên.
   
 
Phó Viện trưởng Trần Huy Hoàng chủ trì phiên thảo luận
  
Phiên thứ hai của hội thảo là các trao đổi và thảo luận của các đại biểu, chuyên gia, các nhà khoa học, Sở Giáo dục và Đào tạo, trường đại học và tổ chức Quốc tế về Báo cáo Phân tích ngành Giáo dục việt Nam 2011 – 2020 với sự đồng chủ trì của Viện trưởng Lê Anh Vinh và Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.
   
 
Đại biểu góp ý báo cáo phân tích ngành giáo dục Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020
 
Nhìn chung các đại biểu tham dự hội thảo đánh giá cao các số liệu trong báo cáo. Các chuyên gia cho rằng giáo dục Việt Nam nói riêng và Việt Nam nói chung muốn phát triển phải cải thiện cơ chế quản lý vĩ mô, cơ chế tài chính ngân sách, cơ chế nguồn nhân lực…
   
 
Viện trưởng phát biểu tổng kết hội thảo
  
Tổng kết phiên làm việc, thay mặt nhóm tác giả, GS. TS. Lê Anh Vinh cảm ơn các ý kiến đóng góp chân thành, thẳng thắn của các đại biểu. Nhóm nghiên cứu tiếp thu các ý kiến, điều chỉnh và bổ sung thông tin nhằm hoàn thiện báo cáo một cách tốt nhất.
  
Tạp chí Khoa học Giáo dục Việt Nam