Hội thảo “Giáo dục vì sự phát triển bền vững: Góc nhìn toàn cảnh và kinh nghiệm thực tiễn”

04/10/2022 11:05 GMT+7
Ngày 03/10/2022, tại số trụ sở 04 Trịnh Hoài Đức, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp cùng UNESCO tổ chức hội thảo “Giáo dục vì sự phát triển bền vững: Góc nhìn toàn cảnh và kinh nghiệm thực tiễn” theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Hội thảo có sự tham gia của các đại diện của tổ chức UNESCO Bangkok, UNESCO Hà Nội, Hiệu trưởng Trường Trung học Muangkrabi Thái Lan, các thầy cô giáo của trường THCS Ngô Sỹ Liên, Tây Sơn, Trường TH, THCS & THPT Thực Nghiệm, các chuyên gia của Trung tâm Phát triển bền vững Chất lượng giáo dục phổ thông Quốc Gia, cùng các thầy cô và chuyên gia giáo dục quan tâm tới hội thảo.
  

Ông Lê Anh Vinh phát biểu khai mạc hội thảo
 
Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS. Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết năm 2021, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp với UNESCO thực hiện dự án “Mạng lưới các trường học liên kết của UNESCO (gọi tắt là ASPnet): Nghiên cứu hành động hợp tác về vai trò của nhà trường trong việc đạt được các mục tiêu Giáo dục phát triển bền vững ở châu Á - Thái Bình Dương” nhằm tập trung vào mục tiêu phát triển bền vững. Mục tiêu này được cho là một yếu tố không thể thiếu của Mục tiêu phát triển bền vững số 4 về Giáo dục nói chung, cũng như là nền tảng của một số mục tiêu phát triển khác.
  
Là đơn vị chủ trì thực hiện nghiên cứu, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam mong muốn chia sẻ một số kết quả của dự án Nghiên cứu hành động hợp tác về vai trò của nhà trường trong việc đạt được các mục tiêu Giáo dục phát triển bền vững ở châu Á – Thái Bình Dương. Đồng thời hi vọng hội thảo này là diễn đàn để chia sẻ kinh nghiệm giữa các nhà trường về giáo dục vì sự phát triển bền vững từ góc nhìn và kinh nghiệm thực tế ở Việt Nam, Nhật Bản và Thái Lan.
  
Phiên mở đầu của hội thảo với chủ đề “Giáo dục vì sự phát triển bền vững từ góc nhìn toàn cảnh” với báo cáo về Giáo dục vì sự phát triển bền vững tại Nhật Bản. TS. Fumiko Noguchi, giảng viên, thành viên Hội đồng Giáo dục vì sự Phát triển Bền vững Nhật Bản (ESD-J) trình bày về các mục tiêu Phát triển Bền vững (gọi tắt là SDGs): Liên kết giữa khái niệm, chính sách và thực tiễn giáo dục; Vai trò của giáo dục trong việc đạt được sự phát triển bền vững; Thực hành ESD trong trường học và các cơ chế hỗ trợ.
  
Tiếp theo là báo cáo về kết quả nghiên cứu hành động ở Việt Nam của đại diện Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam. Bà Hoàng Phương Hạnh thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày về sứ mệnh và ưu tiên của mạng lưới ASPnet. Đó là xây dựng sự bình yên trong tâm trí của trẻ nhỏ và những người trẻ nhằm hướng tới một nền giáo dục bền vững cho công dân toàn cầu và một sự học tập đa văn hóa và học tập di sản. Thông qua các nghiên cứu, các cuộc hội thảo, tọa đàm, đối thoại, nhóm nghiên cứu đưa ra thông điệp về Giáo dục vì sự phát triển bền vững: Niềm tin và động lực của giáo viên, các cơ chế quản lý và tác động lâu dài và nghiên cứu trong tương lai.
  

Đại diện Trường THCS Ngô Sỹ Liên chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn tại đơn vị
 
Phiên thứ hai với chủ đề “Thúc đẩy giáo dục vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam” với báo cáo chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn của hai trường THCS Tây Sơn và THCS Ngô Sỹ Liên và báo cáo chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn tại Thái Lan. Các báo cáo cho thấy giáo dục vì sự phát triển bền vững có nhiều cách tiếp cận và cách hiểu khác nhau, nhưng có một điểm chung là không phải những thứ to tát mà có thể tích hợp ngay trong từng tiết học, từng môn học.
  
Bế mạc hội thảo, GS. Lê Anh Vinh cảm ơn các đơn vị hợp tác, đặc biệt là các thầy cô, Ban Giám hiệu các nhà trường đã tích cực tham gia và chia sẻ kết quả dự án. Cùng với đó là sự tham gia của cộng đồng, của gia đình, của nhà lãnh đạo nhà trường cho mục tiêu phát triển bền vững và lâu dài. Ông hi vọng sản phẩm của dự án sẽ là những gợi ý, những kinh nghiệm thực tiễn thiết thực cho các nhà trường, tổ chức về giáo dục bền vững cho hôm nay và tương lai. 
 

Các đại biểu tham dự tại hội trường
 
Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam