Tọa đàm Chương trình hợp tác đối tác toàn cầu về giáo dục đại học 2021 – 2024: Kết quả ban đầu và đề xuất chính sách

29/05/2024 09:34 GMT+7
Chiều ngày 28/05/2024, tại trụ sở 04 Trịnh Hoài Đức, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam phối hợp Hội đồng Anh tổ chức buổi tọa đàm Chương trình hợp tác đối tác toàn cầu về giáo dục đại học 2021 – 2024: Kết quả ban đầu và đề xuất chính sách. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Mục đích của buổi tọa đàm nhằm chia sẻ kết quả của các dự án hợp tác giữa Việt Nam và Vương quốc Anh trong khuôn khổ chương trình Hợp tác Đối tác Toàn cầu thực hiện theo Thỏa thuận Hợp tác Giáo dục giữa Hội đồng Anh và Bộ Giáo dục và Đào tạo theo ba chủ đề: bình đẳng giới trong giáo dục đại học, đối sánh chương trình hướng tới liên kết đào tạo, và nâng cao năng lực nghiên cứu hướng tới nghiên cứu xuất sắc và phát triển bền vững.
 

Các đại biểu tham dự tọa đàm tại hội trường
 
Tham dự buổi tọa đàm có GS. Lê Anh Vinh – Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, bà Hoàng Vân Anh – Hội đồng Anh, đại diện của tám nhóm nghiên cứu tham dự chương trình, các chuyên gia tư vấn dự án, đại diện các trường đại học học tham gia dự án.
 
Khai mạc hội thảo, Viện trưởng Lê Anh Vinh gửi lời chào mừng toàn thể đại biểu tham dự buổi tọa đàm. Ông cho biết kết quả các dự án trình bày hôm nay là hoạt động hợp tác giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và Hội đồng Anh nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học, tiến tới tiêu chuẩn của khu vực và quốc tế giảng dạy, học tập, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và chuyển giao tri thức. Trong giai đoạn 2021- 2024, đã có tám dự án hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học giữa hai nước. Các nội dung tập trung vào ba chủ đề chính: Thúc đẩy hòa nhập xã hội và cân bằng giới trong lãnh đạo giáo dục đại học, Hỗ trợ phát triển các chương trình giáo dục đại học của Việt Nam nhằm chuẩn bị cho việc phát triển chương trình giáo dục xuyên quốc gia và công nhận quốc tế trong tương lai, Hướng tới sự xuất sắc trong giảng dạy, học tập, nghiên cứu, đổi mới và chuyển giao kiến thức.
 
 
Đại diện Hội đồng Anh, bà Hoàng Vân Anh đánh giá cao kết quả hợp tác giữa Việt Nam và Vương quốc Anh. Chương trình đã tạo ra sự hợp tác giữa 17 tổ chức của Vương quốc Anh và 21 cơ sở giáo dục đại học và tổ chức tại Việt Nam. Các dự án thuộc chương trình bao phủ nhiều lĩnh vực khác nhau như nông nghiệp, khoa học máy tính, khoa học xã hội. Thông qua các dự án, các đơn vị tham gia nâng cao năng lực của tổ chức, nâng cao kết quả học tập sinh viên, mở rộng sự hợp tác quốc tế. Trong thời gian tới, Vương quốc Anh mong muốn tiếp tục góp phần phát triển của giáo dục đại học VIệt Nam thông qua nhu cầu thực tiễn.
 
Theo chương trình, tọa đàm tổ chức hai phiên làm việc. Phiên thứ nhất tóm tắt kết quả dự án hợp tác đối tác năm 2021-2024 (GGP 21/24) và đánh giá kết quả dự án trong công tác hỗ trợ thực hiện các ưu tiên trong phát triển giáo dục đại học Việt Nam. Phiên thứ hai hỏi đáp và trao đổi kết quả dự án góp phần thực hiện các ưu tiên trong phát triển giáo dục đại học Việt Nam.
 
 
TS. Nguyễn Thị Anh Thư, Trường Đại học Bách khoa Đà Năng trình bày bài tham luận “Trao quyền lãnh đạo cho phụ nữ trong trường đại học hướng tới thời đại số hóa và toàn cầu hóa”. Dự án hỗ trợ thúc đẩy sự tham gia của nữ giới trong các hoạt động của cơ sở giáo dục, đồng thời xây dựng mạng lưới giữa các nữ lãnh đạo trong các cơ sở giáo dục đại học.
 
 
TS. Nguyễn Vũ Thắng, Đại học Bách Khoa Hà Nội trình bày bài tham luận “Nâng cao chất lượng môi trường cho hợp tác đối tác giáo dục quốc tế giữa Việt Nam và Vương Quốc Anh”. Ông cho biết dự án hỗ trợ xây dựng các chương trình đào tạo, đánh giá chất lượng đào tạo, xây dựng cộng đồng nghiên cứu giữa Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội với các cơ sở giáo dục đại học ở Vương quốc Anh. Dựa trên kết quả thực hiện dự án, ông đề xuất một số định hướng hợp tác như trao đổi giảng viên, phát triển dự án giữa các cơ sở giáo dục đại học.
 
 
PGS. TS. Nguyễn Thị Hoài Nga, Trường Đại học Mỏ - Địa chất, trình bày nội dung về “Hướng ới sự xuất sắc trong nghiên cứu và chuyển giao kiến thức: Cách tiếp cận hợp tác toàn cầu”. Kết quả cho thấy dự án đã hỗ trợ môi trường học thuật tích cực, trong đó hình thành các sự kết nối chặt chẽ hơn với các bên liên quan, tối ưu hóa các khoản đầu tư lĩnh vực khoa học và công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu và giảng dạy, thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khuyến khích chuyển giao công nghệ giữa các cơ sở giáo dục đại học.
 
 
Tiếp theo chương trình, các chuyên gia của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam trình bày tóm tắt các kết kết quả đạt được về mật chính sách. TS. Nguyễn Thị Hảo trình bày kết quả đạt được của các dự án về lãnh đạo và bình đẳng giới. Thông qua các triển khai các dự án, các khuyến nghị được đề xuất, bao gồm tăng cường tiếp cận hệ thống về vai trò của phụ nữ trong giáo dục đai học, thiết lập hệ thống quản lý dữ liệu về lãnh đạo nữ và thực hiện bình, đẳng giới và cấp quyền truy cập theo từng cấp bậc, tăng cường những nỗ lực phát triển nghề nghiệp ở cấp độ tổ chức và nỗ lực bình đẳng giới, thiết lập khuôn khổ và KPI về phụ nữ trong GD ĐH và thu nhận, công bố dữ liệu có hệ thống, ban hành chính sách nhiệm kì ngắn hạn cho các chức danh quản lý, tăng cường cơ hội tài trợ cho bình đẳng giới.
 
 
  
TS. Lê Đông Phương tổng kết kết quả của các dự án nâng cao chất lượng chương trình giáo dục đại học Việt Nam và phát triển liên kết đào tạo theo hướng công nhận quốc tế. Các dự án đã hỗ trợ các cơ sở giáo dục đại học rà soát chương trình, chuẩn đầu ra và quyết định điều chỉnh chương trình đào tạo cho phù hợp với thị trường, hỗ trợ các hoạt động đảm bảo chất lượng khi xây dung khung đối sánh và đánh giá về các kĩ năng kiếm việc cần có của sinh viên, tạo ra được các cách làm mẫu để các chương trình, các trường khác tham khảo, Giúp các trường đại học Việt Nam trong các lĩnh vực có liên quan cách thức để nâng cao chất lượng khi hội nhập quốc tế.
 
 
ThS. Đỗ Đức Lân trình bày kết quả của các dự án về đổi mới giảng dạy, nghiên cứu và chuyển giao tri thức. Thông qua các dự án, các cơ sở giáo dục đại học cải thiện năng lực và phát triển bản thân cho các nhà quản lý, giảng viên, sinh viên, doanh nghiệp; thúc đẩy đào tạo và giảng dạy, các chương trình nghiên cứu sinh, thạc sỹ; thúc đẩy đổi mới, chuyển giao kiến thức từ các bên liên quan và các nhà hoạch định chính sách.
 
 
Phiên thảo luận do Viện trưởng Lê Anh Vinh chủ trì. Nội dung thảo luận tập trung chia sẻ các thuận lợi, khó khăn, các thành công đã đạt được từ dự án, đồng thời đề xuất các định hướng các vấn đề có thể triển khai trong thời gian tới.
 
Tạp chí Khoa học Giáo dục Việt Nam