Nghiệm thu đề tài khoa học và công nghệ cấp bộ “Xây dựng mô hình nhà trường phổ thông mới Việt Nam”

05/12/2018 19:46 GMT+7
Ngày 4/12/2018, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã tổ chức nghiệm thu đề tài khoa học và công nghệ cấp bộ “Xây dựng mô hình nhà trường phổ thông mới Việt Nam”, Mã số: B2016-VKG-01, do PGS.TS. Trần Thị Hiền Lương làm chủ nhiệm.

Mục tiêu của Đề tài: Xây dựng mô hình nhà trường phổ thông Việt Nam (ở tiểu học và THCS) nhằm đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới chương trình và sách giáo khoa giai đoạn sau 2015.

Nội dung nghiên cứu: Xác định nội hàm của một số thuật ngữ có liên quan đến nội dung nghiên cứu của đề tài; Nghiên cứu cơ sở lí luận về nhà trường phổ thông hiện đại và chương trình giáo dục phổ thông mới; Tìm hiểu những cải cách nhà trường trên thế giới trong những năm qua; Nghiên cứu một số mô hình nhà trường hiện nay ở các nước có nền giáo dục tiên tiến; Nghiên cứu thực tiễn một số nhà trường phổ thông Việt Nam; Xây dựng mô hình nhà trường phổ thông ở giai đoạn giáo dục cơ bản (tiểu học và THCS) với những yêu cầu đổi mới các thành tố của mô hình, nhằm đáp ứng mục tiêu giáo dục toàn diện và thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới; Một số hướng dẫn vận dụng mô hình ở các vùng miền.

Kết quả nghiên cứu:

Về cơ sở lí luận và thực tiễn:

- Đề tài làm sáng tỏ một số khái niệm về trường học, giai đoạn học tập, mô hình và mô hình trường học.

- Phân tích các căn cứ có tính lí luận để xuất mô hình nhà trường phổ thông (cấp tiểu học và THCS).

- Phân tích tình hình thực tiễn để đề xuất mô hình nhà trường phổ thông (cấp tiểu học và THCS) đảm bảo tính khả thi.

Đề tài cũng đã xây dựng và đề xuất mô hình nhà trường phổ thông mới tạo điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, ở đó học sinh được:

- Tăng cường các hoạt động thực hành, rèn các kĩ năng vận dụng kiến thức, kĩ năng học tập, việc học tập ở trường trở nên nhẹ nhàng, hứng thú hơn.

- Thực hiện tốt hơn việc học tập mang tính tích hợp, có nhiều cơ hội huy động kiến thức, kĩ năng từ các lĩnh vực học tập khác nhau trong giải quyết các vấn đề, trong đó có các vấn đề gắn với thực tiễn.

- Đáp ứng nhu cầu học tập của cá nhân (thông qua dạy học phân hóa), có nhiều cơ hội để phát huy các khả năng và sở thích cá nhân; có nhiều cơ hội được quan tâm giúp đỡ từ giáo viên, phụ huynh, bạn bè, các tổ chức xã hội,…

- Tham gia nhiều hoạt động tập thể với các hình thức đa dạng, phong phú, rèn kĩ năng sống, kĩ năng thế kỉ XXI, có nhiều điều kiện để tiếp xúc, hiểu biết về môi trường tự nhiên và xã hội xung quanh, giúp học sinh tự tin, tích cực, mạnh dạn, chủ động hơn trong học tập và trong cuộc sống.

- Học tập và sinh hoạt trong môi trường giáo dục thân thiện ở trường và ở từng lớp học.

- Được học tập và hoạt động ở ngôi trường phổ thông có cơ sở vật chất và thiết bị dạy học hiện đại, vận dụng thành quả của cách mạng khoa học công nghiệp 4.0.

Ngoài ra, đề tài còn đưa ra một số kiến nghị về chương trình, tài liệu, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lí, cơ chế, chính sách … nhằm tạo điều kiện áp dụng mô hình một cách hiệu quả. 

 
 
 
Trịnh Cao Khải
Trung tâm Thông tin và Dự báo 
 

Tin khác