Nghiệm thu nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng “Quản lý dạy học trực tuyến ở tiểu học trong bối cảnh giãn cách xã hội”

15/12/2021 15:14 GMT+7
Sáng ngày 15/12/2021, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức nghiệm thu nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng “Quản lý dạy học trực tuyến ở tiểu học trong bối cảnh giãn cách xã hội”, mã số V2021.02TX, do ThS. Hồ Thanh Bình, Ban Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược phát triển giáo dục làm chủ nhiệm.

Hội đồng nghiệm thu do GS.TS. Lê Anh Vinh - Viện trưởng làm chủ tịch với sự tham gia của đại diện Vụ Giáo dục Tiểu học - Bộ GD&ĐT và các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục tiểu học. Trong thời gian vừa qua, có nhiều nghiên cứu nhỏ lẻ và các bài báo về các giải pháp nhằm hoàn thiện việc dạy học trực tuyến nói chung và dạy học trực tuyến ở cấp tiểu học nói riêng. Tuy nhiên chưa có nghiên cứu nào về quản lý việc dạy học trực tuyến và thực trạng quản lý dạy học trực tuyến ở các trường tiểu học. Vậy nên, nhiệm vụ này được đánh giá là có tính cấp thiết cao, đề xuất được các giải pháp quản lý dạy học trực tuyến ở cấp tiểu học trong bối cảnh hiện nay. Nhiệm vụ được Hội đồng đánh giá đạt loại Đạt.
 
Thông tin nhiệm vụ
 
Mục đích nghiên cứu
 
Nghiên cứu đề xuất các giải pháp quản lý dạy học trực tuyến ở tiểu học trong bối cảnh giãn cách xã hội.
 
Nội dung nghiên cứu
 
Nghiên cứu cơ sở lý luận về quản lý trường tiểu học trong quá trình triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Cơ sở thực tiễn về quản lý trường tiểu học trong quá trình triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Đề xuất mô hình quản lý trường tiểu học trong quá trình triển khai chương trình giáo dục tiểu học 2018.
 
Kết quả nghiên cứu
 
Để quản lý có hiệu quả việc dạy học trực tuyến ở cấp tiểu học trong bối cảnh giãn cách xã hội, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
- Xây dựng hệ thống văn bản hướng dẫn quản lý và dạy học trực tuyến;
- Tổ chức, quán triệt nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, cha mẹ học sinh, học sinh về dạy học trực tuyến trong bối cảnh giãn cách xã hội;
- Xây dựng kế hoạch học tập trực tuyến phù hợp với đặc điểm học sinh, điều kiện hỗ trợ của gia đình;
- Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực dạy học trực tuyến cho giáo viên và hướng dẫn cha mẹ học sinh hỗ trợ học sinh học tập trực tuyến;
- Đổi mới phương thức kiểm tra, giám sát và đánh giá quá trình dạy học trực tuyến phù hợp với bối cảnh giãn cách xã hội;
- Tổ chức phối hợp với các đơn vị ngoài nhà trường để hỗ trợ tổ chức dạy học trực tuyến.
 
Khuyến nghị
 
Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo: thống nhất lựa chọn phần mềm, định hướng và tập huấn cho giáo viên về các tiêu chí xây dựng nội dung bài giảng, từ đó đem lại sự thống nhất trên cả nước.
 
Đối với các Sở Giáo dục và Đào tạo: bám sát các chỉ đạo của Bộ trong dạy học trực tuyến, từ đó xây dựng các văn bản hướng dẫn cụ thể các nhà trường, căn cứ theo đặc điểm của địa phương, bối cảnh và hoàn cảnh của học sinh để đưa ra những phương án tốt nhất nhằm quản lý hiệu quả việc dạy học trực tuyến.
 
Đối với giáo viên: cần linh hoạt, chủ động tìm các phương pháp giảng dạy trực tuyến phù hợp, kết hợp với tư vấn, giúp các cha mẹ học sinh nắm được phương pháp và cách thức đồng hành cùng con em mình trong học tập.
  
Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam

Tin khác