Nghiệm thu các nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng của Trung tâm nghiên cứu Giáo dục Đại học

14/12/2021 21:53 GMT+7
Ngày 14/12/2021, tại phòng họp C53, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức nghiệm thu ba nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng của Trung tâm nghiên cứu Giáo dục Đại học. Phó Viện trưởng Trần Huy Hoàng tham dự với vai trò Chủ tịch hội đồng đánh giá.

Bà Nguyễn Ngọc Ánh trình bày kết quả nghiên cứu đề tài   
 
Bà Nguyễn Ngọc Ánh, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giáo dục Đại học, chủ nhiệm đề tài V2021.19TX trình bày thực trạng liên thông từ giáo dục nghề nghiệp lên các chương trình giáo dục đại học tại các cơ sở giáo dục đại học. Đề tài đã tổng hợp, làm rõ các khái niệm liên quan đến liên thông trong hệ thống giáo dục; liên thông trong giáo dục nghề nghiệp và liên thông trong giáo dục đại học; về hoạt động đào tạo và hoạt động đào tạo liên thông từ GDNN lên GDĐH trong các văn bản chính sách, các quy định hiện hành. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu đã tiến hành nghiên cứu kinh nghiệm về liên thông trong hệ thống giáo dục của một số quốc gia (Đức, Australia, Anh, Hàn quốc, Philippines…), từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc thực hiện hoạt động liên thông từ GDNN lên GDĐH. Trên cơ sở phân tích cơ sở pháp lý và thực trạng tổ chức thực hiện hoạt động đào tạo liên thông từ GDNN lên GDĐH tại các cơ sở GDĐH, đã đề xuất kiến nghị và một số biện pháp nhằm tăng cường hiệu quả các hoạt động đào tạo liên thông từ GDNN lên GDĐH, đáp ứng nhu cầu nâng cao trình độ và học tập suốt đời của người học.
  
Ở nhiệm vụ thứ hai, TS. Đào Thanh Hải trình bày kết quả nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu chuẩn giáo dục đại học”, mã số V2021.20TX. Đề tài làm rõ một số khái niệm liên quan như giáo dục đại học, cơ sở giáo dục đại học, chuẩn, chuẩn giáo dục đại học, chuẩn thiết kế trường đại học. Bên cạnh đó là việc rà soát hệ thống các quy định về chuẩn cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam, bao gồm các điều kiện thành lập trường, các điều kiện hoạt động đào tạo, kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu xác định chuẩn đối với các cơ sở giáo dục đại học. Dựa trên tổng quan kinh nghiệm một số nước trên thế giới (Áo, Úc, Nga, Nhật Bản) về quy định chuẩn giáo dục đại học, đề tài đưa ra các bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam, từ đó đề xuất khung chuẩn cơ sở giáo dục đại học, hệ thống tiêu chuẩn và tiêu chí, và các quy định pháp lý có liên quan.
  
ThS. Nguyễn Thùy Vinh trình bày kết quả nhiệm vụ nghiên cứu thứ ba, mã số V2021.21TX, về “Đóng góp của các cơ sở giáo dục đại học cho sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương”. Đề tài nghiên cứu lý luận về đánh giá đóng góp của các cơ sở giáo dục đại học cho sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Có bốn lĩnh vực chính mà thông qua đó các trường đại học thường tham gia vào sự phát triển của khu vực. Một là Tăng cường sự đổi mới trong khu vực thông qua các hoạt động nghiên cứu. Hai là Thúc đẩy sự phát triển và tăng trưởng kinh tế. Ba là Đóng góp vào sự phát triển nguồn nhân lực trong khu vực. Bốn là Cải thiện công bằng xã hội thông qua phát triển cộng đồng và văn hóa. Từ việc tổng kết kinh nghiệm quốc tế, nhóm đề tài khung đóng góp của nhà trường đại học cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương được cho ở phần kết quả báo cáo chi tiết của đề tài nghiên cứu.
  

Phó Viện trưởng Trần Huy Hoàng phát biểu kết luận đánh giá của hội đồng
  
Nhận xét chung, các thành viên hội đồng đánh giá cao sự nghiêm túc của đội ngũ nghiên cứu của đơn vị, và các nhiệm vụ được đánh giá đạt yêu cầu để nghiệm thu. Bên cạnh đó, do nguồn lực giới hạn trong phạm vi nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng nên các đề tài được khuyến nghị đề xuất các hướng nghiên cứu tiếp theo để mở rộng phạm vi nghiên cứu đồng thời cụ thể hóa các vấn đề nghiên cứu.
 
Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam 

Tin khác