Nghiệm thu nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng “Nghiên cứu thực trạng triển khai tài liệu giáo dục địa phương theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (Năm 2021: Cấp Tiểu học - Lớp Một)”

16/12/2021 17:18 GMT+7
Chiều ngày 16/12/2021, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức nghiệm thu nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng “Nghiên cứu thực trạng triển khai tài liệu giáo dục địa phương theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (Năm 2021: Cấp Tiểu học - Lớp Một)”, mã số V2021.18TX, do ThS. Phùng Thị Thu Trang, Trung tâm Phát triển bền vững chất lượng giáo dục phổ thông Quốc gia làm chủ nhiệm.


ThS. Phùng Thị Thu Trang trình bày kết quả nghiên cứu của đề tài
 
Hội đồng nghiệm thu do GS.TS. Lê Anh Vinh - Viện trưởng làm chủ tịch và có sự tham gia của ông Trần Hải Toàn - đại diện Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT. Kết quả nghiên cứu của nhiệm vụ là luận cứ khoa học công văn số 3036/BGDĐT-GDTH ngày 20/7/2021 về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện nội dung giáo dục địa phương cấp Tiểu học. Nhiệm vụ được Hội đồng đánh giá xếp loại Xuất sắc.
 
Thông tin nhiệm vụ
  
Mục đích nghiên cứu
  
Đánh giá thực trạng việc triển khai tài liệu giáo dục địa phương lớp Một tại các địa phương trong thời gian qua, từ đó đề xuất một số giải pháp góp phần thực hiện hiệu quả nội dung giáo dục địa phương cấp Tiểu học trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
  
Nội dung nghiên cứu
  
Một số vấn đề lý luận và pháp lý về việc triển khai tài liệu giáo dục địa phương trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp Tiểu học.
Thực trạng của các địa phương trong việc thực hiện chương trình, xây dựng tài liệu giáo dục địa phương lớp Một theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Đề xuất một số giải pháp hỗ trợ triển khai tài liệu giáo dục địa phương lớp Một và cấp Tiểu học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.
  
Kết quả nghiên cứu
 
Nội dung giáo dục địa phương là một trong những giải pháp đảm bảo tính mềm dẻo, linh hoạt và sự gắn kết của Chương trình GDPT 2018 với thực tiễn. Ở cấp Tiểu học, nội dung giáo dục địa phương được tích hợp với Hoạt động trải nghiệm và các môn học. Một số khái niệm công cụ liên quan đến việc triển khai nội dung giáo dục địa phương được nêu trong nhiệm vụ đều là những khái niệm cốt lõi. Cùng với đó là hành lang pháp lí cho việc tổ chức biên soạn, thẩm định và triển khai nội dung giáo dục địa phương được thể hiện thông qua những văn bản pháp lí bao gồm các thông tư, công văn chỉ đạo của Bộ GD&ĐT ban hành trong những năm gần đây. Bên cạnh đó, các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình triển khai tài liệu giáo dục địa phương đã được đề cập chi tiết trong phần cơ sở lí luận và pháp lí của nhiệm vụ.
  
Bên cạnh đó, các kết quả về đánh giá thực trạng của các địa phương trong việc thực hiện chương trình, xây dựng tài liệu giáo dục địa phương lớp Một theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã đưa ra một bức tranh chung có đầy đủ các chi tiết về các cấu phần của chương trình giáo dục địa phương cũng như tài liệu giáo dục địa phương lớp Một. Qua đó thấy được những thuận lợi và những điểm bất cập của vấn đề triển khai nội dung giáo dục địa phương theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
  
Để nâng cao hiệu quả quản lí xây dựng và triển khai nội dung giáo dục địa phương theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông hiện nay, nhóm nghiên cứu đã đề xuất 2 nhóm giải pháp xây dựng và triển khai nội dung giáo dục địa phương, cụ thể các giải pháp về: (i) Lựa chọn mạch nội dung giáo dục địa phương, trong đó nhiệm vụ đề xuất Khung nội dung giáo dục địa phương cấp Tiểu học gồm các chủ đề đã nêu trong phần giải pháp ở trên; (ii) Tổ chức thực hiện nội dung giáo dục địa phương, trong đó nêu rõ nguyên tắc tổ chức thực hiện, các hình thức tổ chức thực hiện và các kiểm tra đánh giá nội dung giáo dục địa phương cấp Tiểu học.
  
Các giải pháp đã được tiến hành khảo nghiệm, lấy ý kiến từ các cán bộ quản lí, giáo viên tham gia quá trình biên soạn tài liệu và triển khai tài liệu giáo dục địa phương ở các Sở GD&ĐT dưới hình thức dự thảo công văn về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện nội dung giáo dục địa phương cấp Tiểu học. Trên cơ sở tổng hợp các ý kiến, nhiệm vụ đã phối hợp cùng Vụ Giáo dục Tiểu học - Bộ GD&Đ soạn thảo và đưa ra Công văn số 3036/BGDĐT-GDTH ngày 20/7/2021 tăng cường chỉ đạo thực hiện nội dung giáo dục địa phương cấp Tiểu học.
 
Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam

Tin khác