Nghiệm thu nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng “Nghiên cứu thực trạng trang bị và sử dụng thiết bị dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 (Năm 2021 thực hiện ở lớp 1)”

16/12/2021 14:12 GMT+7
Sáng ngày 16/12/2021, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức nghiệm thu nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng “Nghiên cứu thực trạng trang bị và sử dụng thiết bị dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 (Năm 2021 thực hiện ở lớp 1)”, mã số V2021.16TX, do ThS. Bùi Thị Diển, Trung tâm Phát triển bền vững chất lượng giáo dục phổ thông quốc gia làm chủ nhiệm.

 ThS. Bùi Thị Diển trình bày kết quả nghiên cứu của đề tài
  
Hội đồng nghiệm thu do GS.TS. Lê Anh Vinh - Viện trưởng làm chủ tịch và có sự tham gia của đại diện Vụ Giáo dục Tiểu học - Bộ GD&ĐT. Kết quả của nhiệm vụ là nguồn thông tin tham khảo quan trọng cho các cơ quan quản lý cung cấp và sử dụng thiết bị dạy học hiệu quả. Nhiệm vụ được Hội đồng đánh giá xếp loại Đạt.
 
Thông tin nhiệm vụ
  
Mục đích nghiên cứu
  
Đánh giá thực trạng trang bị và sử dụng thiết bị dạy học lớp 1 chương trình giáo dục phổ thông 2018, từ đó đề xuất một số khuyến nghị trong trang bị và sử dụng thiết bị dạy học nhằm góp phần triển khai hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp Tiểu học.
  
Nội dung nghiên cứu
  
Nghiên cứu một số vấn đề lí luận của việc trang bị và sử dụng thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018;
Nghiên cứu thực trạng trang bị và sử dụng thiết bị dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018;
Đưa ra một số khuyến nghị trong trang bị và sử dụng thiết bị dạy học ở cấp tiểu học để nâng cao hiệu quả triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.
  
Kết quả nghiên cứu
  
Căn cứ vào kết quả nghiên cứu những vấn đề lí luận và thực tiễn về trang bị và sử dụng thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu của Chương trình Giáo dục tiểu học, nhóm nghiên cứu bước đầu đề xuất một số khuyến nghị trong trang bị và sử dụng thiết bị dạy học ở cấp Tiểu học để nâng cao hiệu quả triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018:
 
(i) Về trang bị thiết bị dạy học 
  
Đối với Bộ GD&ĐT: Sớm ban hành Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu thống nhất cho toàn bộ các cấp học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; Tổ chức thẩm định các thiết bị dạy học mẫu do các công ty sản xuất trước khi cho sản xuất đại trà và đưa vào trường học; Tổ chức các cuộc thi về thiết bị dạy học tự làm trên quy mô toàn quốc; Khuyến khích sự tham gia của các tổ chức, cá nhân, các cơ sở giáo dục trong việc xây dựng nguồn tài nguyên về thiết bị dạy học mở (liên quan đến giới thiệu thiết bị dạy học, hướng dẫn sử dụng thiết bị dạy học,...)
 
Đối với các Sở, Phòng GD&ĐT và các cơ sở giáo dục tiểu học: cần lập kế hoạch, tổ chức trang bị thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục đúng quy trình để đảm bảo kịp thời, đủ số lượng và chất lượng thiết bị theo Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu đã ban hành; tăng cường công tác xã hội hóa giáo dục trong việc mua sắm thiết bị dạy học; tổ chức phong trào tự làm thiết bị, tự sửa chữa, tự cải tiến thiết bị dạy học.
  
(ii) Về sử dụng thiết bị dạy học
  
Đối với các cấp quản lí (Bộ, Sở, Phòng GD&ĐT): Tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên thiết bị về thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018; Xây dựng nguồn tài nguyên về sử dụng thiết bị dạy học; Tham mưu, phối hợp với các Bộ, Sở, ban, ngành khác hỗ trợ các cơ sở giáo dục tiểu học có đầy đủ các phòng học bộ môn, phòng thí nghiệm, thực hành.
  
Đối với các cơ sở giáo dục tiểu học: cần lập kế hoạch về việc mua sắm thiết bị, thu hút các nguồn lực đầu tư để đảm bảo trang bị đủ, chất lượng các thiết bị dạy học; việc sử dụng thiết bị dạy học cũng cần linh hoạt theo hướng kết hợp với các thiết bị tự làm, phát huy sự sáng tạo của giáo viên và nâng cao hiệu quả dạy học, đặc biệt đối với những cơ sở chưa có điều kiện trang bị đủ.
 
 Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam

Tin khác