Nghiệm thu nhiệm vụ KH&CN cấp Bộ “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn để đề xuất chính sách đầu tư PPP trong giáo dục”

26/05/2022 14:44 GMT+7
Ngày 24/5/2022, tại phòng họp C53, trụ sở 101 Trần Hưng Đạo, Hà Nội, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức nghiệm thu nhiệm vụ KH&CN cấp Bộ “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn để đề xuất chính sách đầu tư PPP trong giáo dục”, mã số B2019-VKG-NV02, do ThS. Nguyễn Hoài Thu làm chủ nhiệm.

 
  Toàn cảnh hội đồng nghiệm thu đề tài
  
Hội đồng nghiệm thu gồm 07 thành viên là các nhà nghiên cứu trong các lĩnh vực: quản lý giáo dục và kinh tế học giáo dục, do PGS.TS. Nguyễn Đức Minh - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam làm chủ tịch.
PPP là viết tắt của cụm từ Public Private Partnership, được dịch là “đối tác công - tư”. PPP trong giáo dục được hiểu là mối quan hệ hợp đồng giữa chính phủ và các nhà sản xuất tư nhân để có được các dịch vụ giáo dục với số lượng và chất lượng được thoả thuận giữa nhà nước và một số tổ chức tư nhân ở các khía cạnh khác nhau. Thực tiễn ở Việt Nam cho thấy, các hình thức đầu tư PPP trong giáo dục còn nhiều hạn chế so với tiềm năng và nhu cầu của ngành giáo dục cũng như của các địa phương. Việc nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn là vô cùng cấp thiết để Bộ GD&ĐT đưa ra được chính sách đầu tư PPP phù hợp, khả thi cho ngành giáo dục.
Mục tiêu nghiên cứu: Đánh giá được thực trạng về đầu tư PPP trong giáo dục và đề xuất được chính sách đầu tư PPP trong giáo dục.
  
Đề tài tập trung nghiên cứu ba nội dung chính: i) Kinh nghiệm quốc tế về đầu tư PPP trong giáo dục; ii) Khảo sát thực trạng về đầu tư PPP trong giáo dục; iii) Đề xuất các chính sách về đầu tư PPP trong giáo dục.
  
Nhóm nghiên cứu đã đề xuất các chính sách về đầu tư PPP trong giáo dục, trong đó trình bày i) Tiêu chí lựa chọn dự án đầu tư theo hình thức PPP, ii) Quy trình lựa chọn dự án đầu tư theo hình thức PPP, iii) Đề xuất khung lợi nhuận của dự án đầu tư PPP, iv) Đề xuất chính sách ưu đãi với nhà đầu tư PPP.
  
Với mỗi đề xuất, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh căn cứ đề xuất bao gồm căn cứ pháp lý và căn cứ thực tiễn. Trong căn cứ pháp lý, các quy định pháp luật cụ thể có liên quan được hệ thống hóa và phân tích trên nguyên tắc các đề xuất phải phù hợp với văn bản pháp lý hiện hành. Trong căn cứ thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế và thực tế triển khai các dự án PPP trong giáo dục ở Việt Nam được phân tích làm cơ sở cho phần đề xuất.
  
Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam

Tin khác