Hội thảo “Phát triển chương trình giáo dục phổ thông trong bối cảnh đổi mới giáo dục tại Việt Nam và Lào”

29/09/2022 11:01 GMT+7
Sáng ngày 28/9/2022, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Giáo dục Lào tổ chức Hội thảo “Phát triển chương trình giáo dục phổ thông trong bối cảnh đổi mới giáo dục tại Việt Nam và Lào” theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Mỗi điểm cầu tại hai quốc gia đã thu hút hơn 100 đại biểu.

Hội thảo được tổ chức nhằm tạo diễn đàn để các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý, các chuyên gia giáo dục và các thầy, cô giáo, sinh viên ở cả Việt Nam, Lào trao đổi các ý tưởng và thảo luận về những kinh nghiệm và bài học trong việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông cũng như về các giải pháp cần thực hiện để bảo đảm chất lượng giáo dục tại hai quốc gia, đồng thời thúc đẩy các hợp tác nghiên cứu mới. Mỗi điểm cầu tại hai quốc gia đã thu hút hơn 100 đại biểu.
 

TS. Onekeo Nuannavong và GS. Lê Anh Vinh chủ trì hội thảo
 
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Onekeo Nuannavong, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục Lào và GS. Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam bày tỏ sự vui mừng khi đây là Hội thảo đầu tiên đồng tổ chức giữa hai Viện nghiên cứu. Trong thời gian qua, hai bên cùng thực hiện nhiều Đề án như giảng dạy chương trình song ngữ Việt - Lào, biên soạn công trình lịch sử quan hệ đặc biệt hai nước Việt Nam - Lào,… Hội thảo này hai bên sẽ trình bày các nội dung liên quan đến đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, kinh nghiệm dạy - học trong đại dịch Covid-19, kết quả của Đề án “Đưa nội dung các sản phẩm của công trình lịch sử quan hệ đặc biệt hai nước Việt Nam - Lào vào giảng dạy tại các trường học hai nước”.
 
Phiên toàn thể bắt đầu với hai báo cáo “Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông tại Việt Nam” và “Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông tại Lào”. Điểm chung của chương trình giáo dục phổ thông của hai quốc gia là Đổi mới mục tiêu, nội dung, phương pháp, đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh, học sinh không chỉ biết kiến thức mà cần sử dụng được kiến thức, đặc biệt là trong giải quyết những vấn đề thực tiễn.
 

Các đại biểu tham dự hội thảo tại điểm cầu Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
 
Đề án “Đưa nội dung các sản phẩm của công trình lịch sử quan hệ đặc biệt hai nước Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam vào dạy học trong chương trình giáo dục phổ thông” được thiết kế với chủ trương của Chính phủ hai nước: cần thiết được ghi nhận, lưu giữ, phát huy; tăng cường hợp tác, giúp đỡ, cùng bảo vệ độc lập và phát triển đất nước; giáo dục thế hệ trẻ tình đoàn kết hữu nghị. Đề án hướng tới những mục tiêu chính: (1) Hiểu được các tri thức cốt lõi và phù hợp về lịch sử quan hệ đặc biệt, toàn diện của hai nước; (2) Tự hào, trân trọng truyền thống đoàn kết, gắn bó sâu sắc của các thế hệ đi trước; (3) Có ý thức giữ gìn và phát triển tình đoàn kết, hợp tác hỗ trợ lẫn nhau; tự tin, bản lĩnh; có những việc làm cụ thể, thiết thực, có trách nhiệm góp phần xây dựng và phát huy mối quan hệ đặc biệt của hai nước; và (4) Có hứng thú và năng lực khám phá những sự kiện lịch sử tiêu biểu thể hiện mối quan hệ toàn diện, đặc biệt của hai nước; đồng thời phát triển các năng lực chuyên môn.
 
Phiên thảo luận “Cơ hội và thách thức triển khai chương trình giáo dục phổ thông trong bối cảnh đại dịch Covid-19” với 02 báo cáo chính “Triển khai chương trình phổ thông trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tại Lào” và “Triển khai chương trình phổ thông trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tại Việt Nam”. Với chủ trương “Tạm dừng đến trường nhưng không dừng học”, Chính phủ và ngành giáo dục của hai nước đã thực hiện một số giải pháp như: Thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục, tăng cường năng lực số cho giáo viên và học sinh; Tăng cường các chương trình đào tạo giáo viên; Xây dựng những nguồn học liệu mở, dung chung; Xây dựng các chương trình học tập linh hoạt cho các nhóm đối tượng, đặc biệt các nhóm yếu thế như trẻ em ngoài nhà trường.
 
Đại biểu hai nước cũng chia sẻ thêm kinh nghiệm về: các hình thức dạy - học như mô hình lớp ghép, mô hình lớp học trực tuyến, biên soạn sách giáo khoa và sách giáo viên; các hình thức đánh giá kết quả giáo dục và kì thi trung học phổ thông quốc gia; nâng cao năng lực của đội ngũ giáo viên;…
 

Các đại biểu tham dự hội thảo
 
Phát biểu bế mạc hội thảo, lãnh đạo của hai Viện nghiên cứu cảm ơn sự tham gia của các quý vị đại biểu và các cán bộ của hai đơn vị đã cùng tổ chức thành công hội thảo này. Hội thảo là một cơ hội để các nhà giáo dục hai nước cùng nhau thảo luận về những vấn đề quan tâm chung nhằm nâng cao chất lượng dạy và học. Đây sẽ là bước khởi đầu tốt đẹp cho những hợp tác tiếp theo trong tương lai, không chỉ giữa hai Viện nghiên cứu mà còn là của toàn ngành giáo dục hai nước.
 
Tạp chí Khoa học Giáo dục Việt Nam

Tin khác