Nghiệm thu nhiệm vụ KH&CN cấp Bộ “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn để đề xuất chính sách đầu tư PPP trong giáo dục”

10/09/2022 14:00 GMT+7
Chiều ngày 09/09/2022, tại Phòng họp A13, trụ sở 101 Trần Hưng Đạo, Hà Nội, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức nghiệm thu nhiệm vụ KH&CN cấp Bộ “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn để đề xuất chính sách đầu tư PPP trong giáo dục”, mã số B2019-VKG-02NV do ThS. Nguyễn Hoài Thu làm chủ nhiệm.

Tham dự buổi nghiệm thu có sự chủ trì của chủ tịch hội đồng GS.TS. Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, các thành viên hội đồng theo Quyết định, các thành viên đề tài và đại diện các phòng chức năng.
  
 
  
Thay mặt nhóm nghiên cứu, chủ nhiệm nhiệm vụ Nguyễn Hoài Thu trình bày tóm tắt các kết quả nghiên cứu đạt được. Thứ nhất, nhiệm vụ tiến hành phân tích cơ sở lí luận về đầu tư theo phương thức PPP trong giáo dục thông qua các kết quả cụ thể sau: Hệ thống hóa các khái niệm và thuật ngữ liên quan (chính sách, đầu tư, xã hội hóa giáo dục, đối tác công tư, đối tác công tư trong giáo dục); đặc điểm của đầu tư theo phương thức PPP trong giáo dục (lợi ích, thách thức, hình thức đầu tư, hình thức hỗ trợ của chính phủ); phân tích đổi mới giáo dục và những vấn đề đặt ra đối với đầu tư theo phương thức PPP trong giáo dục; hệ thống hóa các văn bản, chính sách về đầu tư PPP trong giáo dục ở Việt Nam).
  
Thứ hai, nhiệm vụ thực hiện phân tích cơ sở thực tiễn của chính sách đầu tư theo phương thức PPP trong giáo dục trên hai nội dung chính: kinh nghiệm quốc tế và kết quả khảo sát của nhiệm vụ: 
  
- Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về đầu tư PPP trong giáo dục tại Hàn Quốc, Philippines, Anh, bao gồm: Khung pháp lý cho đầu tư PPP trong giáo dục; Các tổ chức tham gia vào PPP trong giáo dục; Quy trình lựa chọn và phê duyệt dự án PPP trong giáo dục; Các hình thức hỗ trợ của Chính phủ; Nhận xét về những thành tựu, khó khăn; và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
  
- Mô tả thực trạng về tình hình thực hiện các dự án PPP trong lĩnh vực giáo dục tại Hải Phòng, Quảng Ninh, và thành phố Hồ Chí Minh về: nhận thức, nhu cầu đầu tư, tình hình triển khai các dự án, thuận lợi và khó khăn, ảnh hưởng của Luật PPP đến thực trạng, giải pháp tăng cường đầu tư PPP trong giáo dục, và đề xuất về đầu tư PPP trong giáo dục.
  
Cuối cùng, nhiệm vụ đề xuất một số chính sách về đầu tư theo hình thức PPP trong giáo dục trên cơ sở phân tích căn cứ pháp lí và căn cứ thực tiễn: Tiêu chí lựa chọn dự án đầu tư theo phương thức PPP; Quy trình lựa chọn dự án đầu tư theo phương thức PPP; Đề xuất khung lợi nhuận của dự án đầu tư PPP; Đề xuất chính sách ưu đãi với nhà đầu tư PPP.
 
Các thành viên hội đồng nghiệm thu cho biết đây là một nhiệm vụ nghiên cứu khó, các thành viên của nhóm nghiên cứu đã có cố gắng đưa ra bức tranh toàn cảnh về lí luận cũng như thực tiễn để từ đó, đề xuất chính sách đầu tư PPP trong giáo dục. Nhóm nghiên cứu cần chỉnh sửa báo cáo tổng kết nhiệm vụ theo các góp ý chi tiết của hội đồng.
  
Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam