Nghiệm thu đề tài KH&CN cấp Bộ “Nghiên cứu xây dựng chuẩn đánh giá năng lực và phẩm chất của học sinh trong môn Đạo đức và Hoạt động trải nghiệm cấp tiểu học trong Chương trình GDPT 2018”

02/10/2024 13:38 GMT+7
Chiều ngày 01/10/2024, tại trụ sở 101 Trần Hưng Đạo - Hà Nội, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức nghiệm thu đề tài KH&CN cấp Bộ “Nghiên cứu xây dựng chuẩn đánh giá năng lực và phẩm chất của học sinh trong môn Đạo đức và Hoạt động trải nghiệm cấp tiểu học trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018”, mã số CT.2022.10.VKG.05, do ThS. Bùi Ngọc Diệp làm chủ nhiệm. Đây là một trong chuỗi 17 đề tài thuộc Chương trình KH&CN cấp Bộ “Nghiên cứu xây dựng chuẩn đánh giá năng lực và phẩm chất của học sinh trong các môn học và hoạt động giáo dục theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018”, mã số CT.2022.10.

 
Đại diện nhóm nghiên cứu, ThS. Bùi Ngọc Diệp trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu đã đạt được. Mục tiêu nghiên cứu của đề tài: Xây dựng được chuẩn đánh giá năng lực và phẩm chất học sinh trên cơ sở yêu cầu cần đạt của chương trình môn Đạo đức và Hoạt động trải nghiệm cấp tiểu học trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
 
Để thực hiện thành công Chương trình GDPT 2018 trên phạm vi toàn quốc nói chung, Chương trình môn Đạo đức và Hoạt động trải nghiệm cấp tiểu học nói riêng cần phải có chuẩn đánh giá năng lực và phẩm chất của học sinh. Chuẩn đánh giá năng lực và phẩm chất của học sinh là cơ sở cho giáo viên và nhà trường có căn cứ dạy học và đánh giá đảm bảo yêu cầu cần đạt của Chương trình. Mặt khác, với chuẩn đánh giá đã xây dựng, giáo viên sẽ có sự can thiệp và hỗ trợ cần thiết trong quá trình dạy học giúp học sinh tiến bộ hơn trên con đường phát triển năng lực từ mức thấp đến mức cao hơn. Đó là dạy học và đánh giá vì sự tiến bộ của người học.
 
Trên cơ sở lí luận và thực tiễn kiểm tra, đánh giá, kinh nghiệm xây dựng chuẩn của một số nước, đề tài đã xác định một quy trình xây dựng chuẩn đánh giá năng lực và phẩm chất trong môn Đạo đức và Hoạt động trải nghiệm. Quy trình gồm 06 bước: (1) Xác định các năng lực đặc thù, phẩm chất chủ yếu cần đánh giá; (2) Xác định các năng lực thành phần, thành tố của phẩm chất đối với năng lực và phẩm chất cần đánh giá; (3) Xác định những tiêu chí (biểu hiện) của năng lực thành phần và của thành tố phẩm chất; (4) Xác định mối quan hệ giữa các yêu cầu cần đạt trong chương trình với các biểu hiện của năng lực thành phần và thành tố phẩm chất; (5) Xây dựng các mức độ đánh giá năng lực và các biểu hiện đánh giá phẩm chất phù hợp với yêu cầu cần đạt của chương trình; (6) Thử nghiệm và điều chỉnh chuẩn đánh giá.
 
Đề tài đã xây dựng được chuẩn đánh giá năng lực và phẩm chất của học sinh trong môn Đạo đức và Hoạt động trải nghiệm các lớp 1, 2, 3, 4, 5. Chuẩn đánh giá năng lực và phẩm chất đã được thử nghiện tại một số trường trên địa bàn thành phố Hà Nội. Quá trình thử nghiệm cho thấy tính khả thi và một số vấn đề cần điều chỉnh của chuẩn đánh giá năng lực và phẩm chất người học.
 
Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam

Tin khác