Hội thảo quốc gia “Nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số thông qua phát triển ngôn ngữ”

21/12/2017 14:00 GMT+7
Sáng ngày 19 tháng 12 năm 2017, tại Nhà khách Quân đội, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (VNIES) đã phối hợp với Tổ chức Aide et Action Việt Nam (AEA) và Viện Tư vấn Phát triển Kinh tế Xã hội Nông thôn và Miền núi (CISDOMA) đồng tổ chức buổi Hội thảo quốc gia “Nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số thông qua phát triển ngôn ngữ”

Tham dự Hội thảo Về phía Viện KHGDVN có Phó Viện trưởng PGS.TS. Nguyễn Đức Minh – Chủ trì Hội thảo và các chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục dân tộc Viện KHGDVN; Về phía Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam có bà Nguyễn Hồng Anh; Về phía tổ chức AEA tại Việt Nam có bà Nguyễn Thị Tú - Trưởng đại diện và các cán bộ của AEA; Về phía CISDOMA có ông Trương Quốc Cần – Viện trưởng cùng các chuyên gia của Viện CISDOMA. Ngoài ra, Hội thảo còn có sự tham gia của ông Đặng Vũ Hải, đại diện cho Vụ Dân tộc, Văn phòng Quốc hội và gần 60 đại biểu tới từ  Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào Tạo tỉnh Lai Châu, từ các tổ chức quốc tế như UNICEF, Plan, UNESCO và các tổ chức xã hội dân sự.

Hội thảo là một hoạt động trong khuôn khổ dự án “Nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số và khó khăn ở huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu” được triển khai trong 3 năm (2016-2018), do Liên minh Châu Âu tài trợ. Hơn 18 tháng qua, dự án được triển khai tại ba xã Tả Lèng, Nùng Nàng, Khun Há, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu,  đã thí điểm áp dụng phương pháp giảng dạy lấy học sinh làm trung tâm và giáo dục dựa trên tiếng mẹ đẻ, nhằm thúc đẩy sự tham gia tích cực của phụ huynh và của trẻ vào hoạt động giáo dục, thông qua một loạt các hoạt động như hưởng ứng tuần lễ Giáo dục Toàn cầu, giờ sinh hoạt ngoại khóa tại trường, và các cuộc sinh hoạt chi hội phụ huynh mở rộng hàng tháng. Thêm vào đó, dự án cũng đẩy mạnh công tác truyền thông vận động đối với các nhà hoạch định chính sách tại cấp địa phương và quốc gia để chia sẻ và nhân rộng những thực hành tốt của dự án.

Tham gia dự án này, Trung tâm Phân tích và Dự báo Nhu cầu đào tạo nhân lực, VNIES đã thực hiện nghiên cứu khảo sát nhu cầu giáo dục và đào tạo của học sinh địa phương, tư vấn và cùng các giáo viên địa phương thiết kế xây dựng 5 bộ tài liệu (về kỹ năng sống, quyền trẻ em, phòng chống thiên tai, bình đẳng giới, văn hóa bản địa và trò chơi dân gian) phục vụ việc dạy – học cho học sinh từ 5-8 tuổi. Đây là bộ tài liệu giáo dục bổ trợ cho trẻ em dân tộc thiểu số bằng hai thứ tiếng Việt và Hmông, được xây dựng dựa trên nhu cầu cần thiết của địa phương. Quá trình tiến hành xây dựng tài liệu được áp dụng theo phương pháp có sự tham gia, gồm các chuyên gia GD, cán bộ quản lý, giáo viên địa phương, cha mẹ học sinh và các trí thức trong cộng đồng, nên nội dung thiết thực, phù hợp và gần gũi với cả người dạy cũng như người học.

Tại Hội thảo, những đại biểu tham dự đã được nghe 03 báo cáo tham luận “Thành tựu và thách thức trong việc thực hiện chương trình thí điểm giáo dục dựa trên tiếng mẹ đẻ - các kết quả giám sát từ hội đồng dân tộc” do ông Đặng Vũ Hải Vụ Dân tộc – Văn phòng Quốc hội trình bày; “Các nghiên cứu ứng dụng trong nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số thông qua phát triển ngôn ngữ: Thách thức và khuyến nghị” do TS. Hà Đức Đà – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Dân tộc, Viện KHGDVN trình bày; Và những Kinh nghiệm từ dự án “Nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số và khó khăn ở Việt Nam & bộ tài liệu bổ trợ song ngữ Việt – Mông do ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó Viện trưởng Viện CISDOMA trình bày.

Sau phần trình bày các tham luận của các báo cáo viên, các đại biểu tham dự phần hỏi và giải đáp những điều chưa rõ trong các bản tham luận. Nhiều ý kiến quan trọng đã được các nêu ra và được trả lời thấu đáo làm hài lòng các đại biểu tham dự.

Đặc biệt, phần cuối của buổi Hội thảo, Ban Tổ chức đã tổ chức Diễn đàn: Các thách thức trong triển khai chính sách và chương trình nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi: các mô hình thí điểm thành công. Tại diễn đàn này, đại diện đến từ các tổ chức UNICEF, Plan, Viện KHGDVN, Hội đồng Dân tộc, CISDOMA, các đại biểu đến từ Lai Châu đã nhiệt tình trao đổi, thảo luận và khá nhiều phương án, giải pháp làm việc mới được đưa ra nhằm nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số…

Phát biểu kết thúc Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh cho rằng đây là một Hội thảo rất thành công vì các đại biểu tham gia đã được lắng nghe 03 bài báo cáo vô cùng chất lượng và bổ ích. Sau mỗi phần báo cáo, đặc biệt là tại Diễn đàn, các đại biểu đã tham gia rất cởi mở, đóng góp nhiều ý kiến xác đáng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ em miền núi nói chung và trẻ em các dân tộc thiểu số nói riêng. Ông cũng trân trọng gửi lời cảm ơn đến các vị đại biểu đã tham gia góp phần tạo nên sự thành công của Hội thảo.

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

Chủ tịch đoàn PGS.TS. Nguyễn Đức Minh – Viện KHGDVN (giữa)
Ông Trương
Quốc Cần – Giám đốc Viện CISDOMA (trái)
Bà Lê Thúy Hạnh – Trưởng phòng Chương trình,  Aide et Action Việt Nam (phải)

Ông Hà Đức Đà – Giám đốc TTNCGD Dân tộc

PGS.TS. Nguyễn Đức Minh phát biểu tại hội thảo

 

Một số hình ảnh khác: 

  

Các đại biểu tham gia Hội thảo chụp ảnh lưu niệm