Hội thảo trực tuyến “Đổi mới cơ thế tài chính trong giáo dục Việt Nam” (Phiên làm việc buổi sáng)

16/09/2021 10:17 GMT+7
Ngày 15/09/2021, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức hội thảo trực tuyến “Đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục Việt Nam” nhằm công bố một số nội dung liên quan đến quá trình triển khai và kết quả nghiên cứu khoa học của Viện. Hội thảo là diễn đàn để chia sẻ những nội dung lý luận và thực tiễn có liên quan đến vấn đề đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục Việt Nam, đồng thời xin ý kiến tham vấn của các chuyên gia, các nhà chính sách, các nhà quản lý, đội ngũ giáo viên về nội dung, kết quả của các nhiệm vụ nghiên cứu. Hội thảo được tổ chức trong chuỗi hội thảo hướng tới kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (06/12/1961 - 06/12/2021).

Tham dự hội thảo, về phía khách mời, có đại diện của các Vụ, Cục của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại điện các sở giáo dục và đại điện các cơ sở giáo dục trong nước. Về phía Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, có Phó Viện trưởng phụ trách Lê Anh Vinh, Phó Viện trưởng Nguyễn Đức Minh, Phó Viện trưởng Trần Huy Hoàng cùng toàn thể các chuyên gia và cán bộ nghiên cứu của Viện.
  

Phó Viện trưởng phụ trách Lê Anh Vinh phát biểu khai mạc hội thảo
  
Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS. Lê Anh Vinh - Phó Viện trưởng phụ trách Viện KHGDVN chào mừng toàn thể các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các nhà giáo dục, các giảng viên, giáo viên dành sự quan tâm đến đổi mới tài chính và tự chủ trong giáo dục đồng thời nhấn mạnh đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển. Mặc dù được coi là quốc sách hàng đầu, nhưng giáo dục vẫn chưa được các cấp lãnh đạo, quản lý nhà nước và địa phương chú trọng đúng mức; cơ cấu chi giữa các cấp học, trình độ và ngành đào tạo chưa hợp lý, chưa gắn với chất lượng và hiệu quả giáo dục. Nhiều chính sách hỗ trợ người học, người dạy và các cơ sở giáo dục vẫn còn bất cập và chưa được triển khai hiệu quả. GS. TS. Lê Anh Vinh hi vọng các thảo luận nghiêm túc này sẽ góp phần cho việc thực thi hiệu quả các chính sách về tài chính giáo dục trong thời gian tới.
  
Theo chương trình, hội thảo buổi sáng diễn ra với năm tham luận với hai phiên làm việch, 1) về chính sách học phí cho các cơ sở giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; và 2) chính sách hỗ trợ tài chính cho học sinh, sinh viên sư phạm.
  

ThS. Bùi Thị Diển trình bày bài tham luận về Giá dịch vụ giáo dục và đào tạo của một số quốc gia trên thế giới và bài học cho Việt Nam
  
Mở đầu phiên thứ nhất, ThS. Bùi Thị Diển thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày về giáo dịch vụ và đào tạo của một số quốc gia trên thế giới và bài học cho Việt Nam. Nhìn chung các quốc gia trên thế giới có cơ chế xác định giá dịch vụ giáo dục đào tạo với từng cấp học, chính sách rất phong phú nhưng xu hướng chung là đảm bảo tính đúng tính đủ giá dịch vụ giáo dục và đào tạo theo cơ chế thị trường nhưng cũng thực hiện đa dạng các chính sách miễn giảm giá dịch vụ giáo dục và đào tạo. Trong bối cảnh hiện nay Việt Nam cần xây dựng chính sách tài chính giáo dục sao cho có thể thúc đẩy xã hội hóa trong lĩnh vực GDĐT, xem xét mức giá các dịch vụ theo hướng tính đúng tính đủ tiệm cận giá thị trường hoặc phù hợp với lộ trình tính giá để nâng cao chất lượng giáo dục trên cơ sở các quy định của pháp luật về giá của Việt Nam đồng thời đảm bảo an sinh xã hội đối với các đối tượng chính sách, dễ bị tác động khi thực hiện theo cơ chế giá.
  

TS. Vũ Thành Hưng, Đại học Kinh tế Quốc dân, đề cập một số ý kiến về học phí và chính sách học phí trong giáo dục phổ thông công lập,
  
Ở phần trình bày tiếp theo, TS. Vũ Thành Hưng – ĐH Kinh tế Quốc dân mang tới hội thảo một số ý kiến về học phí và chính sách học phí trong giáo dục phổ thông công lập, trong đó nhấn mạnh việc xây dựng chính sách học phí phải trên cơ sở trình độ phát triển kinh tế xã hội của cả nước cũng như của từng địa phương và gắn với tổng thể giáo dục quốc gia; cần có thêm hay ưu tiên hơn nữa cho những vùng thực sự có khó khăn để cả học sinh và các trường ở các vùng này có đủ động lực và thực lực thực hiện các mục tiêu giáo dục. Mặt khác ở các vùng có điều kiện tốt hơn, nên có cơ chế khuyến khích tự chủ…
  

TS. Đỗ Hồng Nhung, Đại học Kinh tế Quốc dân, với phần trình bày về Kiểm định chất lượng – yêu cầu và xu thế tất yếu để thực hiện tự chủ của các cơ sở giáo dục
  
Đối với việc kiểm định chất lượng trong việc thực hiện tự chủ của các cơ sở giáo dục, đây là vấn đề được TS. Đỗ Hồng Nhung – ĐH Kinh tế quốc dân đề cập. Nhóm nghiên cứu cho rằng trên cơ sở các quy định và khung khổ pháp lý của Nhà nước, kiểm định chất lượng giáo dục trở thành điều kiện và là định hướng cho các cơ sở giáo dục thực hiện tự chủ. Việc công khai, minh bạch chất lượng dịch vụ đào tạo và giá thành dịch vụ đào tạo là cơ chế hiệu quả để các bên có liên quan kiểm soát, giám sát chất lượng dịch vụ của cơ sở giáo dục đào tạo.
  

TS. Trịnh Thị Anh Hoa, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, đề cập vấn đề tài chính cho giáo dục và chính sách học phí
  
Sau đó, TS. Trịnh Thị Anh Hoa, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam trình bày báo cáo về tài chính cho giáo dục và chính sách học phí. TS. Trịnh Thị Anh Hoa đã phân tích các nguồn tài chính đầu tư cho giáo dục và chính sách học phí cho học sinh, sinh viên. Từ đó đưa ra các khuyến nghị chính sách, nhấn mạnh ngân sách nhà nước giữ vai trò quyết định với sự phát triển của hệ thống giáo dục quốc dân; tiếp cận công bằng giáo dục; khuyến khích đầu tư của xã hội cho giáo dục; đảm bảo chính sách học bổng, miễn giảm học phí.
  

TS. Bùi Trọng Trâm, CĐSP Thái Bình, đề xuất một số giải pháp góp phần hoàn thiện chính sách tài chính về đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Thái Bình trong giai đoạn hiện nay
  
Bài tham luận cuối của phiên thứ nhất, TS. Bùi Trọng Trâm – CĐSP Thái Bình đã nghiên cứu và đề xuất một số giải pháp góp phần hoàn thiện chính sách tài chính về đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Thái Bình trong giai đoạn hiện nay. Trong đó đáng chú ý là các giải pháp đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, củng cố cơ chế quản lý tài chính, xây dựng tiêu chí và quy trình đánh giá hiệu quả ngân sách Nhà nước cho dạy nghề; cải thiện tính minh bạch và công khai tài chính trong chi ngân sách cho đào tạo nghề; xây cơ chế đặt hàng cho dạy nghề, đấu thầu chỉ tiêu đào tạo và giao nhiệm vụ đào tạo nghề cho các cơ sở dạy nghề; xây dựng và phân bổ ngân sách hợp lí cho từng nhóm nghề ở từng cấp trình độ đào tạo theo năng lực đào tạo của cơ sở đào tạo nghề.
  
Kết thúc phiên một, đa số các đại biểu đều nhất trí với việc xác định đầu tư cho giáo dục phải là sự đầu tư của nhà nước; các chính sách về quản lý tài chính, kiểm định chất lượng đều được tán thành.
  

ThS.Mạc Thị Việt Hà, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, trình bày vấn đề hỗ trợ tài chính cho sinh viên sư phạm
  
Ngay sau khi kết thúc phiên làm việc thứ nhất, phiên làm việc thứ hai về chính sách hỗ trợ tài chính cho học sinh, sinh viên sư phạm được tiến hành. Bắt đầu phiên làm việc, ThS.Mạc Thị Việt Hà – Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đưa ra những tổng hợp về chính sách hỗ trợ cho sinh viên nói chung và sinh viên sư phạm nói riêng ở một số quốc gia trên thế giới và Việt Nam. Qua đó khẳng định chính sách hỗ trợ tài chính cho sinh viên sư phạm góp phần đảm bảo nguồn nhân lực giáo dục. Báo cáo “Hỗ trợ tài chính cho sinh viên sư phạm – một chính sách góp phần đảm bảo nguồn nhân lực giáo dục”nhấn mạnh rằng, để đảm bảo nguồn nhân lực đủ về số lượng và tốt về chất lượng thì một mình chính sách hỗ trợ tài chính cho sinh viên sư phạm là chưa đủ. Những chính sách tài chính của giai đoạn “hậu ra trường” hay nói cách khác là các chính sách tạo động lực cho giáo viên, cán bộ giáo dục đương nhiệm và giữ chân các giáo viên, cán bộ giáo dục giỏi cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng.
  
Tiếp đến, PGS.TS. Đào Tuấn Thành – ĐH Sư Phạm Hà Nội đã đưa ra “Một số ý kiến về việc triển khai chính sách hỗ trợ tài chính cho sinh viên sư phạm – từ thực tế trường đại học Sư Phạm Hà Nội”. Tác giả đánh giá cao chính sách, cho rằng chính sách thể hiện tính nhân văn và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến lĩnh vực giáo dục nói chúng, lĩnh vực đào tạo giáo viên nói riêng. Thực tế từ việc tuyển sinh tại trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm học 2021-2022 (năm đầu tiên chính sách có hiệu lực) đã cho thấy những tác động tích cực mà chính sách mang lại. Bên cạnh đó, tác giả cũng đưa ra một số ý kiến băn khoăn về đầu ra của sinh viên và vấn đề bồi hoàn kinh phí.
  
Ở bài tham luận cuối phiên thứ hai, TS. Nguyễn Thị Hồng Vân/ThS. Nguyễn Thị Ngọc Linh- Trường Cao đẳng Sư phạm Trung Ương đã phân tích những thuận lợi và khó khăn trong việc triển khai nghị định 116/2020NĐ-CP. Mục tiêu của Nghị định là thu hút học sinh giỏi vào học và phục vụ ngành sư phạm, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên hiện nay. Nghị định không chú trọng tới mục tiêu yêu cầu người học bồi hoàn kinh phí. Tuy nhiên, để các cơ sở đào tạo (trong đó có trường Cao đẳng Sư phạm Trung Ương) cũng như địa phương và sinh viên không gặp khó khăn khi Nghị định đi vào thực tiễn, Chính phủ cần nghiên cứu xây dựng những văn bản hướng dẫn việc thực hiện Nghị định.
  

Các đại biểu trao đổi ở phiên thảo luận
  
Chương trình hội thảo tiếp tục vào buổi chiều cùng ngày với hai phiên làm việc về (i) Chính sách đầu tư theo phương thức hợp tác công tư (PPP) trong giáo dục, và (ii) Thực hiện tự chủ tại một số cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông.
  
Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam