Hội thảo Tổng kết và Lễ Ký biên bản ghi nhớ hợp tác về nâng cao chất lượng Giáo dục thể chất ở Việt Nam

08/11/2022 16:13 GMT+7
Sáng ngày 08/11/2022, tại trụ sở số 4 Trịnh Hoài Đức, Hà Nội, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp với Công ty TNHH Nike Việt Nam và Công ty cổ phần truyền thông Đăng Sơn tổ chức Hội thảo tổng kết và Lễ ký biên bản ghi nhớ hợp tác nhằm nâng cao năng lực chuyên môn và chất lượng giảng dạy của giáo viên thể chất trong các trường tiểu học tại Việt Nam thông qua chiến lược huấn luyện 6C. Hội thảo được tổ chức theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến, và phát trực tiếp trên nền tảng Youtube.

Tham dự Hội thảo, có sự hiện diện của TS. Tạ Ngọc Trí, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT cùng các chuyên viên; Bà Lynne Gadkowski - Tham tán kinh tế của Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Việt Nam; Ông Brian Christiansen - Giám đốc cấp cao phụ trách dự án tác động xã hội cộng đồng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và Mỹ Latinh, Tập đoàn Nike; Bà Angel Ho - Tổng Giám đốc Nike Việt Nam; Bà Trần Lan Anh - Giám đốc điều hành Công ty cổ phần truyền thông Đăng Sơn, và đại diện của 07 Sở GD&ĐT tham gia Dự án.
 
Về phía Viện KHGDVN, có sự hiện diện của GS. Viện trưởng Lê Anh Vinh cùng đại diện các phòng chức năng, các đơn vị thuộc Viện, và các cán bộ Trung tâm phát triển bền vững chất lượng giáo dục phổ thông quốc gia - là các chuyên gia trực tiếp thực hiện Dự án. Ngoài ra, Hội thảo thu hút hơn 500 người tham gia trực tuyến là đại diện các Sở GD&ĐT, cán bộ quản lý và giáo viên giáo dục thể chất tại các trường tiểu học trên 63 tỉnh thành.
 
Ông Lê Anh Vinh phát biểu khai mạc hội thảo 
 
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS. Lê Anh Vinh gửi lời chào mừng tới toàn thể các vị đại biểu, các vị khách quý quan tâm, tham dự hội thảo. Phát triển hài hoà và toàn diện phẩm chất, năng lực của HS, trong đó có năng lực thể chất là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của ngành Giáo dục. Giáo dục thể chất ở Việt Nam được coi là một môn học bắt buộc trong hệ thống giáo dục quốc dân, là thành tố quan trọng trong quá trình thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện đức - trí - thể - mỹ. Môn học hướng đến mục tiêu giúp HS có cuộc sống khoẻ mạnh cả về thể chất và tinh thần, hình thành và hoàn thiện các năng lực thể chất thông qua việc trang bị những kiến thức, kĩ năng về bảo vệ và quản lí sức khỏe, thường xuyên tập luyện phù hợp với bản thân, biết cách thích ứng với các điều kiện sống, từ đó nâng cao tính tự giác, chủ động rèn luyện, bảo đảm sức khỏe trong học tập và rèn luyện. Ngoài ra, môn học còn góp phần giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống lành mạnh, làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần, từng bước góp phần phát triển toàn diện con người mới.
 

Ông Tạ Ngọc Trí đánh giá cao kết quả đạt được của dự án
 
Đại diện của Vụ Giáo dục Tiểu học - Bộ GD&ĐT và Công ty Nike Việt Nam phát biểu chúc mừng Hội thảo và các kết quả đạt được của Dự án trong thời gian qua. Nghiên cứu của chương trình “Năng động cùng thể thao” chứng minh rằng những đứa trẻ được vận động nhiều hơn thông qua các hoạt động vui chơi và thể thao thì sẽ phát triển toàn diện, có cuộc sống khoẻ mạnh, hạnh phúc và thành công hơn. Bà Angela Ho - Tổng Giám đốc Nike Việt Nam cảm ơn sự hợp tác của Vụ Giáo dục Tiểu học - Bộ GD&ĐT và Viện KHGDVN giúp Nike lan toả tinh thần của Dự án.
 

Ông Lê Anh VInh trình bày báo cáo tổng kết quả dự án
 
Tiếp theo chương trình, thay mặt nhóm thực hiện Dự án, GS.TS. Lê Anh Vinh báo cáo tổng kết quá trình thử nghiệm chiến lược 6C tại Việt Nam. Các nhiệm vụ chính đã triển khai gồm: (1) Xây dựng tài liệu “Hướng dẫn tổ chức dạy học môn Giáo dục thể chất cấp Tiểu học theo chiến lược 6C” và Hội thảo công bố tài liệu; (2) Tổ chức tập huấn giáo viên và triển khai thử nghiệm trên địa bàn 07 tỉnh thành (Hà Nội, Bắc Ninh, Tuyên Quang, Hà Giang, Đà Nẵng, Cần Thơ và thành phố Hồ Chí Minh); (3) Tổ chức giám sát, khảo sát đánh giá thử nghiệm tại 07 tỉnh thành; và (4) Thẩm định, hoàn thiện tài liệu và đề xuất chính thức vận dụng tại 07 tỉnh thành.
 
Chiến lược huấn luyện dẫn tới thành công 6C khuyến nghị các phương pháp giảng dạy sáng tạo, tích cực và các trò chơi vận động phù hợp với các em học sinh ở lứa tuổi tiểu học. Chiến lược 6C bao gồm 06 yếu tố:
 
- Confidence (tự tin) - Thúc đẩy sự tự tin của học sinh, giúp học sinh thay đổi từ tâm thế “em không thể” thành “em có thể”.
- Contribution (đóng góp) - Tạo cơ hội cho học sinh đóng góp vào tất cả các hoạt động trong giờ học giáo dục thể chất, không để bất kỳ học sinh nào ở ngoài cuộc.
- Celebration (công nhận, khen ngợi) - Giúp học sinh nhận ra những điểm các em làm tốt bằng cách công nhận, khen ngợi có chủ đích.
- Choice (lựa chọn) - Thu hút học sinh bằng cách cho các em được lựa chọn hoạt động yêu thích.
- Clear/Concise (rõ ràng/súc tích) - Chỉ dẫn cho học sinh một cách rõ ràng, súc tích để trẻ hiểu rõ luật chơi và các nguyên tắc an toàn.
- Connection (gắn kết) - Tăng cường gắn kết giáo viên với học sinh và giữa các học sinh.
  
 
Đại diện các Sở GD&ĐT và các trường tiểu học tham gia thực hiện Dự án cũng có những báo cáo tóm tắt về quá trình thử nghiệm tài liệu tại địa phương.
 
Phiên thảo luận với sự điều hành của Ông Lý Quốc Biên - chuyên gia của Viện KHGDVN đã lắng nghe ý kiến của các đại biểu và các phóng viên báo đài. Nhóm chuyên gia và các đối tác đều bày tỏ mong muốn phát triển bền vững Dự án, tiếp tục mở rộng phạm vị áp dụng Chiến lược 6C trên toàn quốc thông qua tập huấn, khảo sát, đánh giá và ban hành khuyến nghị vận dụng 6C vào môn Giáo dục thể chất tại các trường học Việt Nam. Ngoài ra, chiến lược lâu dài của Nike là khuyến khích người dân tham gia nhiều hơn vào các hoạt động thể thao.
 

Đại diện các bên ký kết biên bản ghi nhớ
 
Ngay sau phiên thảo luận là Lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa ba bên: Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Công ty TNHH Nike Việt Nam và Công ty cổ phần truyền thông Đăng Sơn. Biên bản ghi nhớ này tạo ra thay đổi lớn có tính bền vững trong phương pháp giáo dục thể chất cấp tiểu học tại Việt Nam. Khi cam kết 03 năm này hoàn tất, các bên kỳ vọng rằng “Chiến lược 6C” sẽ được vận dụng trong tất cả các giờ giáo dục thể chất ở các trường tiểu học trên toàn quốc, góp phần cải thiện sức khoẻ, phát triển hành vi, kết quả học tập cũng như sự phát triển lâu dài của trẻ.
 
Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam