Hội thảo "Chủ trương xã hội hóa việc biên soạn và phát hành sách giáo khoa phổ thông sau một thời gian thực hiện: Thực trạng và kiến nghị"

27/10/2022 09:20 GMT+7
Sáng ngày 26/10/2022, tại trụ sở 101 Trần Hưng Đạo, Hội Khoa học Tâm lí - Giáo dục Việt Nam tổ chức hội thảo "Chủ trương xã hội hóa việc biên soạn và phát hành sách giáo khoa phổ thông sau một thời gian thực hiện: Thực trạng và kiến nghị"

Tham dự hội thảo, về phía Hội Khoa học Tâm lí - Giáo dục Việt Nam, có ông Trần Kiều, Chủ tịch; ông Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký, các thành viên thuộc Hội. Về phía khách mời, có sự hiện diện của đại diện các Vụ trực thuộc Bộ Giáo dục và đào tạo, đại diện các nhà xuất bản, đại diện các cơ sở giáo dục phổ thông, các chủ biên các bộ sách giáo khoa, các nhà khoa học quan tâm tới dự.
 
Mục tiêu của hội thảo nhằm đánh giá chủ trương xã hội hóa việc biên soạn và phát hành sách giáo khoa phổ thông sau một thời gian thực hiện, trên cơ sở đó kiến nghị các giải pháp khắc phục những hạn chế, bất cập để nâng cao hiệu quả thực hiện chủ trương này.
 
 
Phát biểu khai mạc, PGS. TS. Trần Kiều nhận định thực tiễn triển khai thực hiện chủ trương đã thu hút được sự quan tâm của dư luận xã hội. Bên cạnh một số kết quả đạt được, còn bộc lộ những hạn chế bất cập làm cho xã hội chưa an tâm. Một số vấn đề được đặt ra là hiểu như thế nào cho đúng chủ trương xã hội hóa việc biên soạn và phát hành sách giáo khoa phổ thông theo Luật Giáo dục 2019; chủ trương này thực sự có mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội hay như là một giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục; việc triển khai chủ trương này trong thời gina quan như thế nào? Cái được và chưa được là gì? Những vấn đề bất cập là gì?; Để đạt được mục tiêu của chủ trương thì cần có sự điều chỉnh gì về chủ trương và giải pháp?
 
 
Đại diện Ban Tổ chức, Phó Chủ tịch PGS. TS. Vũ Trọng Rỹ cho biết hội thảo đã nhận được nhiều báo cáo tham luận của các nhà khoa học, quản lý giáo dục, nhà xuất bản, tác giả biên soạn sách, giáo viên. Hội thảo mong muốn đạt được sự thống nhất nhận thức về nội dung, ý nghĩa cảu chử trương xã hội hóa biên soạn và phát hành sách giáo khoa phổ thông, đánh giá nước đầu thực trạng thực hiện chủ trương, đề xuất các giải pháp khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực hiện chủ trương.
 
 
  
Mở đầu hội thảo, ông Hoàng Ngọc Vinh, Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, đề cập đến một số vấn đề biên soạn và phát hành sách giáo khoa ở Việt Nam. Đối với quan niệm xã hội hóa biên soạn và phát hành thực chất là huy động nguồn lực trong xã hội để biên soạn sách giáo khoa với kỳ vọng học sinh và giáo viên có nhiều hơn một bộ sách để học tập, tham khảo và giảng dạy. Tuy nhiên, kết quả triển khai thực tiễn cho thấy có khá nhiều vấn đề về chất lượng biên soạn, phát hành như dư luận đã phản ánh. Nhiều nguyên nhân đã được liệt kê, trong đó ông tập trung phân tích hai lý do chính là các tiêu chuẩn người viết sách giáo khoa và các nghiên cứu hỗ trợ biên soạn, phát hành sách giáo khoa.
 
 
  
Đề cập đến chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, TS. Đặng Thanh Hải cho rằng vấn đề này đã được cụ thể hóa trong hệ thống văn bản về chương trình sách giáo khoa. Thực hiện chủ trương này, đến nay, chúng ta đã có nhiều bộ sách giáo khoa với sự thamg gia của bẩy nhà xuất bản được cấp phép. Những khó khăn được ghi nhận bao gồm một số bước trong quy trình xuất bản chưa phù hợp, quy trình kê khai giá sách giáo khoa, về tổ chức in ấn, phát hành sách giáo khoa, và về công tác bồi dưỡng, tập huấn sử dụng sách giáo khoa.
 
 
  
Ở vai trò chủ biên, PGS. TS. Đào Thái Lai chia sẻ một số ý kiến về biên soạn, thẩm định và lựa chọn sách giáo khoa trong hai năm qua. Trên cơ sở thực trạng triển khai hoạt động này, ông đề xuất một số khuyến nghị để hoàn thiện tổ chức viết, sử dụng sách giáo khoa, bao gồm phương thức lựa chọn sách giáo khoa, giám giá bán từng cuốn sách giáo khoa, đưa yêu cầu giữ gìn sách và sử dụng sách nhiều năm ngay trang đầu quyển sách, thực hiện cho mượn sách giáo khoa, lập kế hoạch dùng sách giáo khoa nhiều lần, đảm bảo cung cấp sách giáo khoa đúng thời điểm, cung cấp sách cho học sinh khi bị mất hoặc chuyển trường, cung cấp đủ các bộ sách để giáo viên tham khảo, tổ chức xây dựng bộ sách giáo khoa điện tử cung cấp miễn phí trên mạng.
 
Sau phần trình bày tham luận, hội thảo chuyển sang phần thảo luận với chủ trì của PGS. TS. Trần Kiều và GS. TS. Nguyễn Ngọc Phú. Các đại biểu tích cực chia sẻ và trao đổi các nội dung liên quan đến việc biên soạn và phát hành sách. Các nội dung được quan tâm là các tiêu chí về thẩm định sách giáo khoa, sự chủ động trong lựa chọn sách giáo khoa, hành lang pháp lý để điều chỉnh sách giáo khoa, công tác bồi dưỡng, tập huấn giáo viên, nâng cao công tác truyền thông đối với hoạt động biên soạn và phát hành sách.
 
Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam