Tọa đàm "Thúc đẩy các kỹ năng trong học tập, kỹ năng ứng phó với các tình huống thiếu an toàn xảy ra trong trường học, cuộc sống cho học sinh khu vực đồng bằng sông Cửu Long"

12/09/2023 22:42 GMT+7
Ngày 10/9/2023, tại Hội trường Trung tâm Hội nghị tỉnh Cà Mau, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau tổ chức chương trình tọa đàm "Thúc đẩy các kỹ năng trong học tập, kỹ năng ứng phó với các tình huống thiếu an toàn xảy ra trong trường học, cuộc sống cho học sinh THPT, các trường phổ thông liên cấp, phổ thông dân tộc nội trú tại tỉnh Cà Mau và một số tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long". Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án "Học tập và kỹ năng cho trẻ em giai đoạn 2022 - 2026" do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) viện trợ không hoàn lại.


GS. TS. Lê Anh Vinh phát biểu khai mạc tọa đàm
  
Tham dự và chủ trì tọa đàm có GS. TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam; TS. Lê Hoàng Dự, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau. Tham dự trực tiếp tại Hội trường bao gồm 750 cán bộ, giáo viên, cán bộ quản lý, đại diện cha mẹ học sinh đến từ các trường THPT, phổ thông liên cấp, phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Chương trình được kết nối trực tiếp thông qua nền tảng Zoom tới các trường của các tỉnh khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long: Đồng Tháp, Long An và Tiền Giang. tại hơn 30 điểm cầu của các tỉnh trong khu vực cũng có tới gần 2.000 học sinh, đại diện phụ huynh, cán bộ quản lý và giáo viên tham dự.
  
Phát biểu khai mạc chương trình, GS.TS Lê Anh Vinh nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của giảng dạy và thúc đẩy các kỹ năng thiết yếu của học sinh trong nhà trường phổ thông; trong đó các kỹ năng học tập, kỹ năng sống, kỹ năng liên quan đến an toàn trường học cần phải đặc biệt được chú trọng. Thực tế trong thời gian qua việc giảng dạy các kỹ năng cũng được thực hiện trong nhiều nhà trường phổ thông, tuy nhiên kết quả cũng có những hạn chế nhất định. Thông tư số 04/2014/TT-BGDĐT ngày 28/02/2024 của Bộ GDĐT liên quan đến việc ban hành quy định quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa là một cơ sở quan trọng để các nhà trường có thể thực hiện được các hoạt động giảng dạy kỹ năng hiệu quả.
  
GS.TS Lê Anh Vinh cho rằng Tọa đàm lần này tại tỉnh Cà Mau mang ý nghĩa quan trọng, buổi tọa đàm không chỉ nhằm cung cấp thông tin cho các thầy cô, các em học sinh đồng thời tọa một diễn đàn để người tham dự trao đổi, chia sẻ. Điều này góp phần nâng cao nhận thức, năng lực hành động của thầy cô giáo và các em học sinh trong quá trình thúc đẩy, rèn luyên các kỹ năng trong nhà trường.
  
TS Lê Hoàng Dự - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau thay mặt Lãnh đạo Sở gửi lời cảm ơn Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, UNICEF Việt Nam tổ chức một hoạt động ý nghĩa cho học sinh, giáo viên, nhà trường trong tỉnh. Đối với đặc điểm địa phương Cà Mau là một tỉnh còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với những chương trình tập huấn, tọa đàm có chất lượng, có sự tham dự của các chuyên gia thì Chương trình lần này là cơ hội để các em học sinh, các thầy cô giáo trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng, cũng là một cơ hội giao lưu, chia sẻ, đặt ra những câu hỏi tới những chuyên gia, đặc biệt trong bối cảnh ngành giáo dục đào tạo tỉnh Cà Mau, các tỉnh khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long đang trong những ngày đầu bước vào năm học mới 2023- 2024.
  
Trong bài trình bày đề dẫn, GS. TS Lê Anh Vinh đã chia sẻ tới người tham dự góc nhìn, cách tiếp cận liên quan đến học tập của học sinh, giảng dạy của giáo viên. Thông qua những câu hỏi hết sức thú vị về các vấn đề động lực, đam mê, sở thích, mục tiêu của việc học của học sinh; những câu hỏi liên quan đến việc dạy của giáo viên như tiết dạy tâm đắc nhất, hay những điều trăn trở về việc dạy, hội trường đã cùng lắng đọng để tư duy lại chính công việc dạy hay công việc học của chính mình.
 

ThS. Đỗ Đức Lân trình bày về xác định mục tiêu học tập, chiến lược học tập hiệu quả
  
Báo cáo tiếp theo được ThS. Đỗ Đức Lân trình bày liên quan việc cần thiết phải xác định được mục tiêu trong đó mục tiêu phải bảo đảm tính cụ thể, thời gian xác định, được đo lường, có sự liên quan chặt chẽ với các yếu tố khác và quan trọng là có thể thực hiện được. Xác định mục tiêu dựa trên những động lực học tập tích cực, sau đó phải có kế hoạch cụ thể và thực hiện kiên trì bền bỉ thì với có thể thành người học thành công. ThS Lân cũng cho rằng chiến lược học tập phải rõ ràng dựa trên việc sắp xêp, ưu tiên hợp lý, tránh sự xao lãng trong học tập cùng với định hướng nghề nghiệp sẽ được xác định dựa trên các điểm mạnh cá nhân, xu hướng phát triển của xã hội và cả yếu tố nền tảng gia đình.
  
Trong phần trình bày của mình, TS. Bùi Văn Trực đã đưa ra những ví dụ, tình huống sinh động liên quan đến các tình huống xảy ra trong nhà trường và trong cuộc sống. Bài trình bày tập trung trang bị một số kỹ năng nhận biết và xử lý các tình huống thiếu an toàn trong và ngoài nhà trường: Kỹ năng xử lý khi gặp các tình huống nguy hiểm, nguy cơ xâm hại, Kỹ năng bảo vệ sức khỏe sinh sản, Kỹ năng ứng xử học đường. Hoạt động tương tác được các em học sinh và các thầy cô giáo nhiệt tình hưởng ứng.
 

Phiên thảo luận của tọa đàm
  
Phiên thảo luận của cũng đã diễn ra khá sôi nổi và thu hút sự quan tâm của các em học sinh và đại biểu tham dự. Nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận và các câu hỏi đã được các em học sinh, thầy cô giáo trực tiếp trao đổi tại hội trường với các chuyên gia của chương trình. Các câu hỏi đến từ các em học sinh liên quan đến việc học tập hiệu quả, ứng xử với bạn bè, tình huống liên quan có nguy cơ bị bắt nạt, bạo lực học đường; hay những câu hỏi liên quan đến vấn nạn của việc sự dụng thuốc lá điện tử. Các thầy cô giáo cũng đặt ra các câu hỏi liên quan đến tình huống giảng dạy hay làm thể nào để thúc đẩy động cơ học tập cho học sinh. Trong phần thảo luận, GS. TS Lê Anh Vinh đưa ra từ khóa “niềm tin”, ThS Đỗ Đức Lân đưa ra cụm từ “chọn đúng người tư vấn”, TS Bùi Văn Trực đưa ra từ khóa “yêu thương” cùng với những chia sẻ rất thực tế giúp cho các em giáo viên và học sinh có góc nhìn toàn cảnh, tổng thể để đưa ra giải pháp trong các tình huống mình gặp phải.
  
Chương trình tọa đàm diễn ra theo kế hoạch và kết thúc tốt đẹp. Những thông tin và các chia sẻ từ các chuyên gia và các hoạt động trong chương trình sẽ giúp các em học sinh có hiểu biết, tiền đề phát triển các kỹ năng cơ bản học tập hiệu quả, khả năng xử lý tình huống trong cuộc sống, vững bước trên còn đường đi tới tương lai đang rộng mở phía trước.
  
  
Quang cảnh Hội trường
 
Đại biểu tham dự
   
Tin bài và ảnh: Phòng Quản lý Khoa học, Đào tạo và Hợp tác quốc tế; Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực