Nghiệm thu đề tài “Định hướng chương trình công nghệ trong chương trình giáo dục phổ thông sau 2015”

10/08/2017 16:55 GMT+7
Ngày 10/01/2013, Viện KHGDVN đã tổ chức nghiệm thu đề tài cấp Viện “Định hướng chương trình công nghệ trong chương trình giáo dục phổ thông sau 2015”, mã số V2011-07, do ThS. Nguyễn Thanh Trịnh làm chủ nhiệm.

Mục tiêu nghiên cứu: Xác lập hướng chương trình Công nghệ trong chương trình giáo dục phổ thông Việt Nam sau 2015, trên cơ sở đó đề xuất những hình dung ban đầu về chương trình môn Công nghệ trong các cấp học trong chương trình giáo dục phổ thông sau 2015.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
1/ Về lý luận
     - Làm sáng tỏ một số khái niệm liên quan đến đề tài như chương trình giáo dục, công nghệ, giáo dục công nghệ…;
     - Xác định các vấn đề liên quan đến chương trình, chương trình môn công nghệ và các vấn đề đặt ra trong định hướng phát triển chương trình môn Công nghệ ở phổ thông sau 2015.

2/ Về thực tiễn
     - Nghiên cứu tìm hiều lịch sử phát triển chương trình Công nghệ ở phổ thông của Việt Nam từ sau năm 1945 đến nay và phân tích một số đặc điểm của chương trình Công nghệ trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành kết hợp với tổng thuật các kết quả đánh giá chương trình môn học từ năm 2006;
     - Nghiên cứu tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế, hồi cứu các tư liệu về chương trình và phát triển chương trình môn Công nghệ ở một số nước;
     - Phân tích 6 quan điểm cơ bản về đổi mới chương trình và 9 định hướng chính trong xây dựng và triển khai chương trình sau 2015, tập trung vào 6 định hướng cho chương trình môn học từ đó đề xuất các định hướng cho chương trình môn Công nghệ sau 2015. 

3/ Khuyến nghị
     - Trong phát triển chương trình: Bộ Giáo dục & Đào tạo chủ trì xây dựng và ban hành chương trình giáo dục phổ thông trong đó có chương trình Công nghệ, dành một thời lượng thích đáng trong chương trình để các địa phương xây dựng những nội dung học tập, điều chỉnh một phần nội dung chương trình và lập kế hoạch dạy học, vận dụng hình thức, phương pháp dạy học riêng phù hợp với nhu cầu, điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của địa phương. Việc xây dựng các nội dung mang tính địa phương cần có sự chỉ đạo, hỗ trợ của Bộ Giáo dục & Đào tạo;
     - Giao cho địa phương quản lý, giám sát, điều chỉnh một phần nội dung chương trình theo tinh thần trên và tăng quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục;
     - Đa dạng hóa về tài liệu dạy học: có những tài liệu hỗ trợ dạy học phù hợp với các vùng miền, đối tượng. Đa dạng hóa về loại hình tài liệu: in, CD/ VCD…;
     - Kiến nghị Bộ Giáo dục & Đào tạo có kế hoạch đào tạo giáo viên môn Công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển năng lực của học sinh;
     - Trong quản lý chương trình cần phân cấp mạnh hơn cho địa phương, cho phép nhà trường chủ động, linh hoạt hơn trong tổ chức thực hiện chương trình.

 Thu Trang