Nghiệm thu nhiệm vụ Khoa học và công nghệ cấp Bộ “Nghiên cứu đánh giá sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục và đề xuất các giải pháp chỉ đạo trong thời gian tới”

06/12/2018 11:48 GMT+7
Ngày 6/12/2018, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã tổ chức nghiệm thu nhiệm vụ Khoa học và công nghệ cấp Bộ “Nghiên cứu đánh giá sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục và đề xuất các giải pháp chỉ đạo trong thời gian tới”, mã số: B2017-VKG-11 do PGS.TS. Nguyễn Thị Lan Phương làm chủ nhiệm.

Mục tiêu nghiên cứu: Đánh giá thực trạng chất lượng sách và hiệu quả sử dụng sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục, từ đó đề xuất các giải pháp chỉ đạo sử dụng sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục (TV1 CNGD) trong thời gian tới.


Tính mới và sáng tạo của nhiệm vụ:

Phương thức đánh giá chất lượng sách Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục

Nhiệm vụ đã tiến hành đánh giá sách TV1 CNGD theo phương thức chuẩn hoá:

- Thứ nhất, mục tiêu chung và mục tiêu từng bài học của sách phải đáp ứng mục tiêu và yêu cầu đầu ra chương trình môn Tiếng Việt lớp 1.

- Thứ hai, xây dựng hệ thống 5 tiêu chuẩn đánh giá (và được cụ thể hóa thành 26 tiêu chí cùng hàng loạt chỉ báo/ minh chứng) là: (i) Đáp ứng các điều kiện tiên quyết; (ii) Cụ thể hóa mục tiêu giáo dục, hỗ trợ phương pháp giáo dục và hỗ trợ đánh giá kết quả giáo dục; (iii) Cụ thể hóa các nội dung dạy học của chương trình môn học; (iv) Hình thức trình bày cuốn sách; và (v) Tác động của sách đến kết quả đầu ra.

- Thứ ba, xây dựng Phiếu đánh giá dành cho các chuyên gia Phát triển CT, Ngôn ngữ và Giáo dục Văn học.

- Thứ tư, với mỗi nội dung đánh giá, chuyên gia phải đưa ra phán xét: tính khoa học, hiện đại, khả thi và phù hợp của sách TV1 CNGD trong việc đáp ứng yêu cầu của chương trình môn Tiếng Việt, chứng cứ có trong sách và các tài liệu liên quan. Từ đó đề xuất chỉnh sửa, thay thế, hoặc loại bỏ.

Phương thức đánh giá hiệu quả sử dụng sách TV1 CNGD

- Thứ nhất, hiệu quả của một hoạt động được xác định trên cơ sở phân tích tương quan giữa kết quả đạt được trong thực tiễn so với mục đích hoạt động và các điều kiện bảo đảm cho hoạt động đó được triển khai có chất lượng. 

- Thứ hai, xây dựng 3 tiêu chuẩn đánh giá (và được cụ thể hóa thành 13 tiêu chí cùng các chỉ báo/ minh chứng) là: (i) Hiệu quả triển khai dạy học TV1 CNGD (lập kế hoạch, các hoạt động dạy học TV và kết quả đầu ra); (ii) Hiệu quả của các điều kiện bảo đảm chất lượng triển khai sách; (iii) Các giải pháp và nhu cầu sử dụng hiệu quả sách.

- Thứ ba, xây dựng 08 công cụ đánh giá để thu thập ý kiến về tình hình triển khai, về nhận xét, đánh giá của 33 cán bộ quản lí giáo dục, 49 giáo viên, 192 cha mẹ học sinh về hiệu quả của các hoạt động dạy và học TV1 CNGD trong thực tiễn giáo dục.

- Thứ tư, thiết kế 01 đề khảo sát kiến thức và kĩ năng tiếng Việt của 805 học sinh lớp 1 vào giữa học kì II của CT môn Tiếng Việt lớp 1. Trong đó, cập nhật cách thức đánh giá năng lực theo Thông tư số 22/2016/TT-BGDDT ngày 22/9/2016 của Bộ GDĐT. Cấu trúc đề khảo sát: (i) 2 câu hỏi đo lường kĩ năng đọc trơn, nghe, nói; (ii) 1 câu hỏi đo lường kĩ năng viết chính tả; (iii) 5 câu hỏi đo lường kĩ năng đọc hiểu, viết tạo câu, kiến thức TV (âm, vần, quy tắc chính tả).

Kết quả nghiên cứu của đề tài:

Về lí luận:

a) Ðưa ra quan niệm: SGK là tài liệu hỗ trợ hoạt động dạy học và học tập môn học, là văn bản “hiện thực hóa và cụ thể hóa” CT GDPT, được Bộ GDĐT phê duyệt và cho phép sử dụng ở trường phổ thông

b) Đánh giá chất lượng và hiệu quả sử dụng SGK bằng 5 phương pháp: phân tích của chuyên gia; phỏng vấn các đối tượng liên quan; khảo sát thực trạng dạy và học; đánh giá kết quả đầu ra; đánh giá hiệu quả sử dụng sách trong thực tiễn giáo dục 

c) Một số lí luận nền tảng về dạy ngôn ngữ và công nghệ giáo dục

- Dạy học ngôn ngữ quốc gia có mục tiêu là sử dụng ngôn ngữ như là công cụ và thành thạo các kĩ năng Đọc, Viết, Nói và Nghe, từ đó góp phần phát triển năng lực.  

- Chiến lược/ kĩ thuật dạy Reading Recovery cho học sinh đầu cấp tiểu học (lớp 1) gồm 5 hợp phần là: Hình thành động lực và sự thích thú đọc; rèn luyện đọc trôi chảy; cung cấp các chiến lược hiểu và tái thiết nghĩa; hình thành từ vựng; và phát triển ngữ âm. Kĩ năng Đọc cơ bản gồm 5 kĩ năng thành phần là i) Làm việc với sách đọc, ii) Nhận biết âm vị, iii) Đọc tiếng hoặc từ, iv) Đọc trơn, v) Hiểu nghĩa tường minh. 

- CNGD hiện đại trên thế giới có hai tính năng chính là (i) áp dụng hệ thống kiến thức nhiều lĩnh vực khoa học để giải quyết các nhiệm vụ thực tiễn và (ii) thay đổi phương pháp giải quyết các vấn đề trong học tập, dạy học để tăng hiệu quả giảng dạy. Ba định hướng nghiên cứu CNGD hiện nay là (i) thiết kế giảng dạy, (ii) thiết kế - thử nghiệm và (iii) phát triển các kĩ thuật dạy học.

- CNGD của GS. Hồ Ngọc Đại bao gồm nghiên cứu các lí thuyết giáo dục học, tâm lí học và triết học, ứng dụng và điều chỉnh lí thuyết vào thực tiễn nhằm phù hợp với đối tượng giáo dục. Tư tưởng cốt lõi là: mỗi khái niệm A (tri thức khoa học) được biến thành a (cái hình thành trong HS) theo qui trình công nghệ (4 VIỆC LÀM và các thao tác tương ứng) để thày hướng, còn trò thi công. Với môn TV lớp 1, tập trung dạy cấu trúc ngữ âm tiếng Việt, thông qua đó hình thành các thao tác tư duy, tri thức ngữ âm và chính tả tiếng Việt, các kĩ năng nghe – nói – đọc – viết tiếng Việt cho HS.

Về đánh giá chất lượng, hiệu quả sử dụng sách TV1 CNGD

Về chất lượng sách

Ưu điểm: tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam; thể hiện sự thương yêu dành cho trẻ em qua cách đối xử của cha mẹ, thầy cô và những người khác; thể hiện tường minh yêu cầu về cấu trúc ngữ âm tiếng Việt và luật chính tả, chú trọng phát triển kĩ năng đọc thành tiếng và viết chính tả cho HS lớp 1; phương thức dạy học “chuyển A thành a” theo quy trình “Thầy thiết kế, Trò thi công” thông qua 4 VIỆC LÀM được thể hiện nhất quán trong các bài học; HS được đọc toàn âm tiết không nhất thiết phải đánh vần, phù hợp với bản chất “chỉnh thể trọn vẹn” của âm tiết tiếng Việt; cách thiết kế sách hỗ trợ khá tốt hoạt động kiểm tra, đánh giá của GV.

Hạn chế: chưa thể hiện rõ ràng việc phát triển các kĩ năng nói và nghe, năng lực sử dụng tiếng Việt trong văn hóa và đời sống; không dạy đọc hiểu nghĩa tường minh và “vượt quá mức” của CT về cấu trúc ngữ âm TV; hạn chế sự sáng tạo của GV và tích cực hóa HS khi họ phải tuân thủ nghiêm nhặt qui trình 4 VIỆC LÀM của sách; chưa cập nhật những thành tựu về “dạy ngôn ngữ thông qua giao tiếp đọc, viết, nghe, nói” và xu thế phát triển CNGD trên thế giới.

Về hiệu quả sử dụng sách TV1 CNGD

Ưu điểm: hoạt động dạy của GV hiệu quả vì am hiểu qui trình dạy học, tạo được sự đồng thuận của cha mẹ học sinh , thực hiện thời gian tăng thêm môn Tiếng Việt, tăng cường thực hành cho HS DTTS, kiểm tra, đánh giá thường xuyên, rút kinh nghiệm giảng dạy kịp thời,...; đa số HS đạt yêu cầu CT (khoảng 20% đạt kĩ năng cao, 75% nắm vững kiến thức âm, vần và quy tắc chính tả, 70% đạt yêu cầu đọc trơn, tốc độ 41 từ/ phút, 70% đạt yêu cầu viết, 55% đạt yêu cầu nghe, nói). HS DTTS có thể phân tích được ngữ âm, nắm được cấu trúc vần ; đọc nhanh, đúng và chắc chắn; nghe, viết đúng chính tả; mạnh dạn, tự tin. 

Hạn chế: quá trình dạy học của GV khá cứng nhắc, thiếu linh hoạt và sáng tạo, ít giải nghĩa từ, chưa chú trọng rèn luyện các kĩ năng đọc hiểu, nghe, nói TV cho HS; sự bất bình đẳng về kết quả học tập thể hiện rất rõ rệt (những HS yếu kém thì vốn từ  ít, nói chưa thành câu; nhút nhát, thiếu tự tin).

Nhiệm vụ cũng đã đề xuất một số giải pháp chỉ đạo nhằm sử dụng hiệu quả tài liệu TV1 CNGD

Đối với cấp trung ương: Tổ chức tổng kết toàn quốc về chất lượng và hiệu quả triển khai sách TV1 CNGD giai đoạn 2011-2016; tổ chức điều chỉnh TV1 CNGD để đáp ứng các tiêu chí SGK dựa theo chương trình môn Tiếng Việt lớp 1 mới; ban hành văn bản pháp quy về việc triển khai TV1 CNGD  như một phương án dạy TV; phát huy hình thức tổ chức tập huấn, bồi dưỡng GV hiệu quả của CNGD; nghiên cứu để kết hợp ưu điểm của hai cách dạy TV (theo SGK hiện hành và sách TV1 CNGD)

Đối với cấp quản lí địa phương: Không mở rộng qui mô triển khai TV1 CNGD cho đến khi sách được điều chỉnh và được Bộ GDĐT phê duyệt; đối với những nơi có nhu cầu mở rộng, cần chuẩn bị các điều kiện bảo đảm chất lượng đầy đủ; chỉ đạo  thực hiện quy trình dạy học CNGD phù hợp thực tiễn; chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát và hỗ trợ kĩ thuật đến từng trường dạy học TV1 CNGD; nâng cao tính trách nhiệm của cơ quan quản lí giáo dục địa phương.

Đối với nhà trường: Chú trọng công tác truyền thông để tạo sự đồng thuận cao trong xã hội về việc dạy học theo TV1 CNGD; phân phối tài liệu hướng dẫn thiết kế, quy trình dạy học, quan điểm, tư tưởng CNGD,… cho GV, cha mẹ học sinh; triển khai TV1 CNGD ở trường  học cả ngày; tổ chức tốt việc dự giờ, thao giảng, sinh hoạt chuyên đề, hội thảo khoa học,… giữa GV khối 1 và khối khác để chia sẻ kinh nghiệm.

 
Trịnh Cao Khải
Trung tâm Thông tin và Dự báo 
 

Tin khác