Nghiệm thu nhiệm vụ KH & CN cấp Bộ “Giải pháp nâng cao chất lượng tạp chí khoa học Việt Nam theo tiêu chuẩn quốc tế”

06/10/2019 09:48 GMT+7
Ngày 30/09/2019, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã tổ chức nghiệm thu nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ cấp Bộ “Giải pháp nâng cao chất lượng tạp chí khoa học Việt Nam theo tiêu chuẩn quốc tế”, mã số: B2017.VKG.01NV do GS.TSKH. Trần Văn Nhung làm chủ nhiệm.

1) Mục tiêu nghiên cứu: Đề xuất bộ tiêu chí đánh giá chất lượng các tạp chí khoa học của Việt Nam theo hướng hội nhập quốc tế. Trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp để nâng cao chất lượng các tạp chí khoa học của Việt Nam theo hướng hội nhập quốc tế.
 
2) Tính mới và sáng tạo của nhiệm vụ:
 
- Đánh giá đúng hiện trạng chất lượng tạp chí khoa học của Việt Nam theo bộ tiêu chí đề xuất; 
- Nghiên cứu kinh nghiệm xây dựng và phát triển tạp chí khoa học của một số trường đại học có uy tín trong khu vực, thế giới và Việt Nam; các bộ tiêu chuẩn của các hệ thống tạp chí ISI, Scopus, ACI (Asean Citation Index); 
- Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá chất lượng tạp chí khoa học của Việt Nam theo hướng hội nhập quốc tế; 
- Phác thảo Đề án xây dựng cổng thông tin đánh giá các tạp chí khoa học của Việt Nam; 
- Xây dựng quy trình đánh giá, xếp hạng các tạp chí khoa học của Việt Nam theo bộ tiêu chí đề xuất.
 
3) Kết quả nghiên cứu của đề tài:
 
- Tổng hợp lại hiện trạng chất lượng tạp chí khoa học của Việt Nam.
- Báo cáo nghiên cứu kinh nghiệm xây dựng và phát triển tạp chí khoa học của một số trường đại học có uy tín trong khu vực, thế giới và Việt Nam; các bộ tiêu chuẩn của các hệ thống tạp chí ISI, Scopus, ACI (Asean Citation Index). 
- Dự thảo đề xuất Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng tạp chí khoa học của Việt Nam. 
- Đề xuất Quy trình đánh giá, xếp hạng các tạp chí khoa học theo bộ tiêu chí đề xuất.
 
Qua nghiên cứu hiện trạng chất lượng tạp chí khoa học của Việt Nam cho thấy: Việc nâng cao chất lượng tạp chí khoa học của các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu, các bộ, ngành đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế đã thành đòi hỏi bức thiết hiện nay; Việt Nam hiện tại có nhiều tạp chí khoa học, do các cơ quan như trường đại học và viện nghiên cứu chủ quản. Tuy nhiên, tạp chí khoa học Việt Nam có chất lượng còn hạn chế, bài báo của tạp chí khoa học Việt Nam chưa đáp ứng về chất lượng và lượt trích dẫn; Để nâng cao chất lượng các Tạp chí khoa học của Việt Nam, cũng như ngày càng có nhiều Tạp chí Khoa học của Việt Nam vào danh mục các Tạp chí của ISI và Scopus, đã đến lúc các nhà quản lý các Tạp chí khoa học của Việt nam cần ban hành lại qui định qui chuẩn Tạp chí khoa học Việt Nam phù hợp với chuẩn mực Quốc tế; Từ kinh nghiệm của một số nước, các tạp chí khoa học của Việt Nam cần nghiên cứu vận dụng sáng tạo cho phù hợp với thực tiễn và trình độ kinh tế, khoa học - công nghệ của Việt Nam để từng bước tiếp cận tiến tới đạt chất lượng quốc tế của các tạp chí khoa học Việt Nam.
 
4) Từ nghiên cứu lý luận và thực tiễn, nhóm nghiên cứu đề tài đã đề xuất một số khuyến nghị:
 
Đối với các cơ quan quản lý nhà nước:
 
- Khẩn trương xây dựng tầm nhìn, chiến lược phát triển tạp chí khoa học Việt Nam; xác định quy hoạch phát triển tạp chí khoa học đến năm 2025 và tầm nhìn đến 2040; 
- Đề nghị Chính phủ khẩn trương có quyết sách để Việt Nam có nhiều tạp chí khoa học trong danh mục quốc tế; 
- Xây dựng và triển khai Đề án xây dựng cổng thông tin đánh giá tạp chí khoa học Việt Nam để tạo điều kiện đánh giá chất lượng tạp chí theo chuẩn quốc tế.
 
Đối với các tạp chí khoa học:
 
- Các tạp chí cần tham gia vào hệ thống VCI (Vietnam Citation Index).
- Cải tiến, đổi mới tạp chí theo các chuẩn của VCI;
- Khẩn trương có số riêng bằng tiếng Anh cho các số chuyên ngành, liên ngành;
- Có chiến lược phát triển đội ngũ giảng viên, đặc biệt là chiến lược phát triển đội ngũ Tiến sĩ, GS, PGS;
- Có chiến lược liên kết xuất bản tạp chí khoa học, liên kết đội ngũ biên tập, tác giả với các trường đại học, viện nghiên cứu hàng đầu trong nước và với các trường đại học, viện nghiên cứu có uy tín trong khu vực và trên thế giới.
- HĐCDGSNN mong muốn và hy vọng hệ thống Vcgate của Đại học Quốc gia Hà Nội (xem https://vcgate.vnu.edu.vn/) kết nối cùng với VCI, tạo cơ sở dữ liệu chung.
 
5) Các sản phẩm nghiên cứu của đề tài: Báo cáo hiện trạng tạp chí Khoa học các trường đại học Việt Nam; Bảng hỏi đánh giá chất lượng các tạp chí khoa học của cơ sở giáo dục đại học Việt Nam; Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng Tạp chí KH quốc gia; Báo cáo tổng hợp hệ thống đánh giá chất lượng tạp chí của ISI, Scopus, ACI và kinh nghiệm của một số nước trong khu vực (Trung Quốc, Thailand, Malaysia); Bản phác thảo Đề án Xây dựng hệ thống công bố điện tử - Viet Nam Citation Index (VCI); Bản tổng hợp quy trình đánh giá chất lượng một số các tạp chí khoa học Việt Nam theo bộ tiêu chí đánh giá chất lượng khoa học; Các bài báo có nội dung liên quan đến đề tài đăng trên tạp chí hàng đầu quốc gia; Bản Kiến nghị quy hoạch phát triển tạp chí khoa học đến năm 2025 và tầm nhìn đến 2040; Hỗ trợ đào tạo Tiến sĩ;…
 
Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao các kết quả nghiên cứu của đề tài:
 
- Đề tài là một công trình nghiên cứu công phu và nghiêm túc; có tính mới, có ý nghĩa lớn về lý luận và thực tiễn. Đáp ứng các yêu cầu khoa học;
- Cấu trúc nội dung hợp lý;
- Báo cáo khái quát được những cơ sở khoa học và đề xuất các phải pháp phù hợp, có tính khả thi; 
Tuy nhiên, Cần tiếp tục triển khai đề hoàn thiện hơn về tiêu chí, xây dựng cổng thông tin đánh giá; Cần tiếp tục nghiên cứu chuyển giao kết quả nghiên cứu này
 
Phạm Tuyết Nhung
Trung tâm Thông tin và Dự báo