Kiểm tra tiến độ thực hiện Nhiệm vụ theo chức năng của Ban nghiên cứu Đánh giá Giáo dục

31/08/2022 05:45 GMT+7
Ngày 29/8/2022, tại phòng họp A4, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội đồng kiểm tra tiến độ thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng của Ban Nghiên cứu Đánh giá Giáo dục.

Hai nhiệm vụ thuộc diện kiểm tra là “Nghiên cứu một số yếu tố ảnh hướng đến năng lực Khoa học của học sinh phổ thông qua khai thác dữ liệu của Chương trình đánh giá học sinh quốc tế PISA 2015” do TS Đặng Xuân Cương làm chủ nhiệm và “Nghiên cứu bộ tiêu chuẩn đánh giá điều kiện đảm bảo thực hiện chương trình giáo dục phổ thông các lớp tiểu học” do ThS Trần Thị Phương Linh làm chủ nhiệm.
  
 
TS. Đặng Xuân Cương trình bày tiến độ đề tài
  
TS Đặng Xuân Cương thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày mục tiêu của đề tài, là nhằm nghiên cứu một số yếu tố ảnh hưởng về đặc điểm học sinh và yếu tố phi nhận thức đến năng lực Khoa học của học sinh phổ thông Việt Nam qua khai thác dữ liệu của Chương trình đánh giá HS quốc tế PISA 2015.Trong khuôn khổ của nhiệm vụ, do khai thác dữ liệu sẵn có của PISA 2015 nên nhiệm vụ chỉ tập trung vào các biến sẵn có trong dữ liệu do OECD cung cấp, bao gồm các biến trong Phiếu hỏi mà học sinh Việt Nam tham gia trả lời và năng lực khoa học cuối cùng của học sinh Việt Nam do OECD đã phân tích. Nhiệm vụ cũng chỉ lựa chọn một số yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến năng lực khoa học mà không sử dụng hết tất cả các câu hỏi trong bộ phiếu hỏi học sinh PISA. Hơn nữa, do chỉ có học sinh tham gia trả lời phiếu hỏi nên không có các dữ liệu từ học sinh và nhà trường để có các đối sánh cần thiết. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng phương pháp nghiên cứu lí luận, phương pháp chuyên gia và phương pháp thống kê giáo dục.
  
Về tiến độ thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã làm xong Tổng quan về PISA 2015; Đánh giá năng lực khoa học PISA 2015; Nghiên cứu cơ sở lý luận của việc phân tích dữ liệu; Xây dựng Khung khai thác dữ liệu PISA 2015 về các yếu tố ảnh hưởng đến năng lực khoa học của học sinh phổ thông; Chiết xuất các dữ liệu cần thiết phục vụ phân tích dữ liệu; Làm sạch và xử lý số liệu.
  
Phần báo cáo kết quả về thành tích Khoa học của học sinh, các yếu tố liên quan đến đặc điểm bên ngoài và bên trong của học sinh (giới tính/vùng miền,..) đến năng lực khoa học, và các bài báo kèm kết quả phân tích đang trong quá trình thực hiện.
  
Các thành viên hội đồng đánh giá cao nỗ lực của nhóm nghiên cứu trong việc thực hiện đúng tiến độ của đề tài. Tuy nhiên đề tài cần làm rõ một số nghiên cứu so sánh kết quả phân tích với thực tiễn đánh giá năng lực khoa học ở Việt Nam theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018; Đề xuất một số giải pháp và khuyến nghị về đánh giá năng lực khoa học của học sinh phổ thông ở Việt Nam theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ở cấp độ học sinh và giáo viên.
  
 
ThS Trần Thị Phương Linh báo cáo tiến độ trước hội đồng
  
Tiếp đến, ThS Trần Thị Phương Linh cho biết hiện nay, các điều kiện đảm bảo thực hiện chương trình đã được Bộ quy định trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, tuy nhiên để sử dụng cho đánh giá thì sẽ có khó khăn khi các yêu cầu này còn chung chung và chưa tập hợp thống nhất thành một bộ tiêu chuẩn chuẩn chỉ. Chính vì vậy, nhóm nghiên cứu đã lựa chọn đề tài “Nghiên cứu bộ tiêu chuẩn đánh giá điều kiện đảm bảo thực hiện chương trình giáo dục phổ thông ở cấp tiểu học” với mong muốn xây dựng được một bộ tiêu chuẩn đánh giá giúp cho nhà trường cũng như cơ quan quản lý có một cơ sở khoa học phù hợp để sử dụng dễ dàng và đánh giá hiệu quả các điều kiện đảm bảo thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, từ đó có thể đưa ra các định hướng sửa chữa bổ sung hợp lí và chuẩn xác, đảm bảo cho chương trình giáo dục mới được hiệu quả. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng phương pháp nghiên cứu lí luận, phương pháp chuyên gia và phương pháp thống kê giáo dục.
  
Nhóm đã cơ bản hoàn thành phần nghiên cứu cơ sở lí luận về bộ tiêu chuẩn đánh giá điều kiện về nhân lực đảm bảo thực hiện chương trình giáo dục phổ thông ở tiểu học (xây dựng báo cáo tổng quan, nghiên cứu một số khái niệm cơ bản và điều kiện đảm bảo thực hiện chương trình, cơ sở thực tiễn của việc đề xuất khung đánh giá các điều kiện đảm bảo chương trình) và thực trạng đánh giá điều kiện nhân lực đảm bảo thực hiện chương trình giáo dục phổ thông ở cấp tiểu học. Tuy nhiên, việc đề xuất bộ tiêu chuẩn đánh giá điều kiện nhân lực đảm bảo thực hiện chương trình giáo dục phổ thông ở cấp tiểu học và các báo cáo chuyên đề chưa được hoàn thành đúng tiến độ.
  
Các thành viên hội đồng cho rằng cần làm rõ ràng hơn phần thuyết minh của đề tài để đảm bảo tính xúc tích cô đọng của đề tài, nên tập trung vào bộ tiêu chuẩn khái quát về các điều kiện đảm bảo và chú ý tới tiến độ của đề tài.
  
Thay mặt nhóm nghiên cứu, hai chủ nhiệm đề tài cảm ơn các lưu ý của hội đồng và xin tiếp thu, chỉnh sửa theo ý kiến của các thành viên hội đồng.
  
Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam

Tin khác