Hội thảo “Luận cứ khoa học cho xây dựng nội dung giáo dục địa phương và sự phù hợp của nội dung SGK Tiếng Việt lớp 1, 2 chương trình GDPT 2018 đối với HS người dân tộc thiểu số”

17/10/2022 10:39 GMT+7
Ngày 17/10/2022, tại trụ sở 04 Trịnh Hoài Đức, Ban Nghiên cứu Giáo dục Dân tộc tổ chức hội thảo “Luận cứ khoa học cho xây dựng nội dung giáo dục địa phương và sự phù hợp của nội dung sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1, 2 chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với học sinh người dân tộc thiểu số”.

Hội thảo có sự chủ trì của TS. Vương Thị Phương Hạnh, Phó Trưởng ban Nghiên cứu Giáo dục Dân tộc, Chủ tịch Hội đồng khoa học của Ban, cùng sự tham dự của TS. Trần Thị Yên, Trưởng Ban, toàn thể cán bộ của đơn vị và các đại biểu đại diện các phòng chức năng.
  
 
Các đại biểu thảo luận tại hội thảo
  
Hội thảo có bốn bài báo cáo, đan xen là các phần hỏi - đáp và thảo luận giữa các nhà quản lý, chuyên gia giáo dục và những người tham dự.
  
Mở đầu hội thảo là báo cáo “Thực trạng sự phù hợp của nội dung sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1, 2 chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho học sinh người dân tộc thiểu số” của ThS. Đàm Thị Hoài Dung. Mục tiêu khảo sát thực trạng sự phù hợp của nội dung sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1, 2 chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho học sinh người dân tộc thiểu số nhằm cung cấp cơ sở thực tiễn cho việc đề xuất và khuyến nghị việc thực hiện nội dung sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1, 2 đảm bảo phù hợp với học sinh người dân tộc thiểu số. Đối tượng khảo sát là cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh ở một số trường Tiểu học có người dân tộc thiểu số tại 4 tỉnh: Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu và Hòa Bình. Nội dung khảo sát bao gồm: sự phù hợp nội dung của hoạt động đọc, viết, nói và nghe; sự phù hợp nội dung của kiến thức Tiếng Việt và Văn học; sự phù hợp nội dung của ngữ liệu trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1, 2 với học sinh người dân tộc thiểu số.
  
Việc làm rõ thực trạng sự phù hợp của nội dung sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1, 2 chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho học sinh người dân tộc thiểu số là căn cứ quan trọng để đề xuất một số giải pháp phù hợp giúp đội ngũ quản lý và giáo viên Tiểu học vùng dân tộc thiểu số và miền núi thực hiện tốt nhiệm vụ giảng dạy để đáp ứng mục tiêu giáo dục trong giai đoạn hiện nay.
  
Từ thực trạng trên, ThS. Phạm Thu Hà đưa ra “Một số đề xuất và khuyến nghị thực hiện nội dung sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1, 2 chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho học sinh người dân tộc thiểu số” về mục tiêu, thời lượng, phương pháp, hình thức và điều kiện đảm bảo thực hiện nội dung sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1, 2 chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho học sinh người dân tộc thiểu số. Việc thực hiện nội dung sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1, 2 phù hợp với học sinh người dân tộc thiểu số sẽ rất có ý nghĩa trong việc nâng cao kết quả học tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số đầu cấp tiểu học, giúp các em có công cụ học tập hiệu quả hơn, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục nói chung ở vùng dân tộc thiểu số.
  
Báo cáo “Một số định hướng tổ chức xây dựng nội dung giáo dục địa phương theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho học sinh người dân tộc thiểu số” do ThS. Cao Việt Hà trình bày là phần tiếp nối báo cáo về kinh nghiệm quốc tế trong việc tổ chức, xây dựng nội dung giáo dục địa phương. Nội dung đề cập những nghiên cứu trong và ngoài nước về xây dựng và phát triển chương trình giáo dục là những cơ sở khoa học để nhiệm vụ kế thừa và phát triển khi nghiên cứu về xây dựng chương trình và tài liệu nội dung giáo dục địa phương cho cấp tiểu học vùng dân tộc thiểu số. Thực trạng xây dựng chương trình và tài liệu nội dung giáo dục địa phương còn tồn tại những bất cập thể hiện sự thiếu thống nhất giữa các địa phương về kế hoạch thực hiện, số lượng và nội dung các bài, chủ đề; chưa có sự đồng nhấ với chương trình hoạt động trải nghiệm; việc bố trí 3 tiết/ tuần tạo nên sự quá tải đối với học sinh tiểu học; Hệ thống văn bản hướng dẫn chưa cụ thể, rõ ràng gây khó khăn trong quá trình thực hiện trong thực tế.
  
Phát biểu bế mạc hội thảo,TS. Trần Thị Yên cảm ơn các ý kiến góp ý có ý nghĩa rất thiết thực, quan trọng, góp phần thúc đẩy và phát triển luận cứ khoa học cho việc xây dựng nội dung giáo dục địa phương và sự phù hợp của nội dung sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1, 2 chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với học sinh người dân tộc thiểu số. Những kinh nghiệm có được sẽ bổ sung cho các nghiên cứu tiếp theo.
 

Các đại biểu tham dự hội thảo
   
Tin bài và ảnh: Ban Nghiên cứu Giáo dục Dân tộc

Tin khác