Nghiệm thu đề tài KH&CN cấp Bộ “Nghiên cứu đánh giá tác động của việc dạy thêm, học thêm đến việc dạy và học trong nhà trường phổ thông”

03/01/2024 10:34 GMT+7
Chiều ngày 02/01/2024, tại phòng họp A4, trụ sở 101 Trần Hưng Đạo - Hà Nội, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức nghiệm thu đề tài KH&CN cấp Bộ “Nghiên cứu đánh giá tác động của việc dạy thêm, học thêm đến việc dạy và học trong nhà trường phổ thông”, mã số B2022-VKG-07, do ThS. Phùng Thị Thu Trang chủ nhiệm.

 
Hội đồng nghiệm thu gồm bảy thành viên là các nhà nghiên cứu, các nhà sư phạm trong lĩnh vực giáo dục phổ thông và quản lý giáo dục do GS.TS. Lê Anh Vinh làm Chủ tịch.
 
Mục tiêu của đề tài: Đánh giá tác động của dạy thêm, học thêm đối với việc dạy và học trong nhà trường phổ thông và đề xuất giải pháp đối với vấn đề dạy thêm, học thêm trong nhà trường phổ thông hiện nay (tập trung vào đối tượng các lớp cuối cấp THCS và THPT).
 
Trong phạm vi nghiên cứu của đề tài là nghiên cứu đánh giá tác động của dạy thêm, học thêm ở các môn Toán và Ngữ văn tại các lớp cuối cấp (lớp 1 và lớp 12) đối với việc dạy và học trong nhà trường phổ thông, đề tài đạt được những kết quả nghiên cứu chính, bao gồm:
  
(1) Hệ thống và đưa ra quan điểm về dạy thêm, học thêm; phân tích cấu trúc hoạt động dạy thêm, học thêm dựa trên cấu trúc của quá trình dạy học; chỉ ra các đặc điểm cơ bản của dạy thêm, học thêm như: không bắt buộc trong nhà trường, hình thức hỗ trợ học tập linh hoạt, đáp ứng nhu cầu của xã hội, vấn đề quốc gia theo góc độ chính sách, các loại hình dạy thêm, học thêm);
  
(2) Tổng quan một số nghiên cứu và lịch sử phát triển của việc dạy thêm, học thêm ở Việt Nam, kinh nghiệm quốc tế và xu thế của thế giới về dạy thêm, học thêm trong nhà trường phổ thông;
  
(3) Xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá tác động của việc dạy thêm, học thêm đối với việc dạy và học trong nhà trường phổ thông;
  
(4) Tiến hành đánh giá và phân tích tác động của việc dạy thêm, học thêm đối với việc dạy và học trong nhà trường phổ thông;
  
(5) Đề xuất một số giải pháp liên quan đến các vấn đề về quản lý, giáo viên, điều kiện dạy học và đánh giá, truyền thông nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của vấn đề dạy thêm, học thêm.
 
Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam

Tin khác