Hội đồng Thẩm định Dự thảo Chương trình Giáo dục mầm non chuẩn bị thực hiện thí điểm

20/01/2024 11:36 GMT+7
Trong 2 ngày 18 và 19 tháng 1 năm 2024, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Họp Hội đồng thẩm định Dự thảo Chương trình giáo dục mầm non để chuẩn bị cho thực hiện thí điểm Chương trinh.

Hội đồng được thành lập theo Quyết định số 4289/QĐ-BGDĐT và Quyết định bổ sung số 293/ QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo với danh sách gồm 21 thành viên là chuyên gia, các nhà khoa học ở các lĩnh vực chuyên ngành có liên quan, giảng viên đang giảng dạy ở các cơ sở đào tạo giáo viên mầm non, cán bộ quản lý, giáo viên mầm non đang công tác tại cơ sở giáo dục mầm non công lập, ngoài công lập ở Hà Nội và một số địa phương. Hội đồng do GS.TS Nguyễn Thị Hoàng Yến đảm nhiệm vị trí Chủ tịch và TS. Nguyễn Ngọc Hiền đảm nhiệm vị trí Phó chủ tịch.
  
Tham dự hội đồng thẩm định có đại diện Ban Chỉ đạo, Tổ Thư ký; đại diện Ban Biên soạn Chương trình Giáo dục mầm non, đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam.
  
 
  
Phát biểu từ đại diện Ban Chỉ đạo xây dựng Chương trình Giáo dục mầm non, PGS.TS Nguyễn Bá Minh nhấn mạnh: Thẩm định Dự thảo Chương trình giáo dục mầm non rất quan trọng, để chuẩn bị cho thực hiện thí điểm Chương trinh tại 20 tỉnh/thành trong 3 năm học tới (bắt đầu từ năm học 2024-2025 và kết thúc vào năm học 2027-2028). Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, Chương trình sẽ được ban hành và thực hiện chính thức trên phạm vi toàn quốc từ năm học 2029-2030.
  
 
Sau phần phát biểu khai mạc, công bố quyết định và phổ biến quy chế làm việc của Hội đồng, GS.TS Lê Anh Vinh - Trưởng Ban Biên soạn Chương trình Giáo dục mầm non mới, Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam đã trình bày về quá trình xây dựng Chương trình Giáo dục mầm non và Dự thảo Chương trình. Theo đó, Chương trình Giáo dục mầm non mới đã trải qua 4/5 bước trong quy trình xây dựng dự thảo (Tổ chức soạn thảo Chương trình; thử nghiệm (một số nội dung mới) của Dự thảo Chương trình; điều chỉnh Dự thảo chương trình sau thử nghiệm; nghiệm thu nghiệm vụ. Trong suốt giai đoạn trước đó, từ năm 2014 và tập trung nhiều vào các năm 2019 – 2021, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp với Vụ Giáo dục mầm non-Bộ GD&ĐT đã triển khai rà soát Chương trình Giáo dục mầm non hiện hành; rà soát các văn bản liên quan (Luật Giáo dục, Luật Lao động; Luật Trẻ em, các Nghị định, Thông tư) và tiến hành một số các nghiên cứu phục vụ cho đề xuất định hướng đổi mới, phát triển Chương trình Giáo dục mầm non sau 2020, tập trung vào 04 vấn đề nghiên cứu để xác lập cơ sở khoa học cho xây dựng Chương trình Giáo dục mầm non mới (Nghiên cứu Cơ sở khoa học của sự phát triển trẻ em lứa tuổi MN; đổi mới Chương trình Giáo dục mầm non theo tiếp cận năng lực; tích hợp giáo dục hoà nhập trong Chương trình Giáo dục mầm non; đánh giá Chương trình Giáo dục mầm non). Một chuỗi các Hội thảo khoa học do Bộ trưởng, Thứ trưởng, Viện KHGD Việt Nam phối hợp với Vụ Giáo dục mầm non Bộ GD&ĐT chủ trì đã được triển khai để thảo luận các vấn đề liên quan đến xây dựng Chương trình Giáo dục mầm non mới.
  

GS.TS Nguyễn Thị Hoàng Yến - Chủ tịch Hội đồng thẩm định phổ biến quy chế làm việc của hội đồng
  
Dự thảo Chương trình Giáo dục mầm non mới đã được thử nghiệm qua hai giai đoạn (Giai đoạn 1: 10/2022 - 12/2022; Giai đoạn 2: 02/2023 - 05/2023) tại 6 tỉnh/thành đại diện cho 6 vùng kinh tế xã hội, gồm: Thái Nguyên, Ninh Bình, Nghệ An, Kon Tum, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Tháp. Sau mỗi giai đoạn thử nghiệm đã có các hội thảo sơ kết, tổng kết, xin ý kiến chuyên gia và tiếp tục có điều chỉnh Dự thảo Chương trình Giáo dục mầm non; khảo nghiệm tại 06 địa phương nói trên. Về Dự thảo Chương trình Giáo dục mầm non mới, GS.TS Lê Anh Vinh nhấn mạnh đến tiếp cập phát triển phẩm chất (4 phẩm chất: yêu thương, tôn trọng, trung thực, trách nhiệm) và năng lực (tự lực, thích ứng, giao tiếp, hợp tác, giải quyết vấn đề) trong xây dựng Chương trình, đồng thời đề cập đến 6 điểm mới của Chương trình.
  
Phát biểu tại buổi làm việc của Hội đồng thẩm định, GS.TS Lê Anh Vinh - Trưởng Ban Biên soạn Chương trình Giáo dục mầm non đại diện cho toàn thể 43 thành viên Ban Biên soạn bày tỏ mong muốn dự thảo Chương trình sẽ được Hội đồng thẩm định đánh giá khách quan, có những góp ý để Ban Biên soạn tiếp thu, điều chỉnh, có được Chương trình Giáo dục mầm non tốt nhất cho thế hệ trẻ em của Việt Nam trong những năm tới.
  
Trong quá trình làm việc của Hội đồng, các thành viên Ban Biên soạn đã kịp thời có các trao đổi, tiếp thu, giải trình các ý kiến từ Hội đồng thẩm định.
  
Sau 2 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, chiều 19/1/2024, Hội đồng đã thông báo các kết luận thẩm định. Hội đồng đánh giá cao kết quả làm việc của Ban Biên soạn. Chương trình được xây dựng đảm bảo theo Luật Giáo dục và các văn bản pháp lý hiện hành; có tính kế thừa chương trình Giáo dục mầm non hiện hành và tiếp thu tính ưu việt của Chương trình Giáo dục mầm non trên thế giới. Kết luận của Hội đồng đề nghị một số vấn đề cần được Ban biên soạn làm rõ và điều chỉnh: Mục tiêu của Chương trình cần tinh gọn hơn, đáp ứng tốt hơn với các điều khoản có liên quan được quy định trong Luật Giáo dục; đảm bảo tính thống nhất hơn nữa giữa mục tiêu chung của Chương trình Giáo dục mầm non với mục tiêu của Chương trình giáo dục nhà trẻ và Chương trình giáo dục mẫu giáo; làm rõ hơn sự khác biệt về kết quả mong đợi ở các mức độ theo tiếp cận của Chương trình; phần giải thích thuật ngữ cần được thực hiện triệt để trong đó chú ý đến giải thích thuật ngữ để làm rõ “kết quả mong đợi”... Kết quả: 21/21 thành viên của Hội đồng thẩm định đã biểu quyết thông qua dự thảo Chương trình Giáo dục mầm non với ý kiến “Đạt nhưng cần chỉnh sửa”.
  
Phát biểu từ phía Ban Biên soạn, GS.TS Lê Anh Vinh - Trưởng Ban Biên soạn Chương trình Giáo dục mầm non mới cảm ơn các thành viên trong Hội đồng đã có các đánh giá sâu sắc, toàn diện. Ban Biên soạn sẽ khẩn trương tổ chức cuộc họp để thống nhất các ý kiến tiếp thu, giải trình và bắt tay điều chỉnh dự thảo Chương trình, kịp thời cho công tác thí điểm chương trình trong năm học tới 2024-2025.
 
 
Các đại biểu tham dự 
 
Tin bài và ảnh: Trung tâm nghiên cứu Giáo dục mầm non 

Tin khác