Hội nghị Tập huấn đưa nội dung các sản phẩm của công trình lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam vào giảng dạy tại các trường học hai nước tại Điện Biên

28/12/2023 21:49 GMT+7
Trong hai ngày 26/12 và 27/12/2023, tại nhà khách khu Himlam, tỉnh Điện Biên, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp với Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị tập huấn hướng dẫn giáo viên tích hợp dạy học bộ sản phẩm Đề án “Đưa nội dung các sản phẩm của công trình lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam vào giảng dạy tại các trường học hai nước”.

Tham dự và chủ trì hội nghị có GS. TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, các đại biểu bao gồm đồng chí Thái Đình Huyên, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên, bà Nguyễn Thị Phương Thúy, Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên. Học viên tham dự hội nghị tập huấn bao gồm 160 cán bộ, giảng viên đến từ các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Điện Biên, Trường Cao đẳng sư phạm Điện Biên.

 
 

GS. TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phát biểu khai mạc Hội nghị tập huấn

 

Phát biểu khai mạc, GS.TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện KHGD Việt Nam đề cập đến ý nghĩa, tầm quan trọng của việc nghiên cứu, biên soạn các bộ tài liệu phục vụ giảng dạy, học tập về lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam. Một trong tư liệu quý giá để biên soạn tài liệu giáo dục của đề án đó là cuốn Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam 1930 - 2007.

 

Các sản phẩm đề án rất đa dạng về hình thức từ cấp tiểu học đến đại học đã được các chuyên gia Việt Nam thẩm định trong năm 2022. Các sản phẩm của đề án đã được số hóa và đưa lên website để làm tư liệu. Bộ tài liệu cũng được dịch sang tiếng Lào và biên tập phù hợp cho phù hợp bối cảnh của nước bạn Lào trong năm 2023. Từ ngày 27 tháng 11 đến ngày 29 tháng 11 đoàn chuyên gia Lào đã làm việc cùng với các chuyên gia để thẩm định các sản phẩm bằng tiếng Lào của Đề án tại Việt Nam.

 

GS.TS Lê Anh Vinh nhấn mạnh tiếp nối sự thành công Hội nghị tập huấn tại tỉnh Sơn La và Nghệ An hội nghị tập huấn lần này tại tỉnh Điện Biên củng cố thêm những bài học thực tiễn về tiếp cận phương pháp lồng ghép, tích hợp các nội dung về mối quan hệ lịch sử đặc biệt hai nước. Đồng thời việc thiết lập các nhóm chia sẻ kết quả tập huấn 3 đợt sẽ là một nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

 
 
Đồng chí Thái Đình Huyên – Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên phát biểu chào mừng 
 

Đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên, đồng chí Thái Đình Huyên, Trưởng phòng Giáo dục trung học đã có lời phát biểu chào mừng và bày tỏ sự vui mừng khi tỉnh Điện Biên được lựa chọn là địa phương thứ ba tham gia tập huấn. Đồng chí cho biết Điện Biên có đường biên giới dài với nước bạn Lào hơn 414 km, tiếp giáp tỉnh Phongsali. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, địa bàn tỉnh Điện Biên các tỉnh Bắc Lào nói riêng cũng đã luôn sát cánh bên nhau là hậu phương vững chắc; đặc biệt chiến thắng Điện Biên Phủ là dấu soi chói lọi trong lịch sử Việt Nam.

 

Đồng chí Thái Đình Huyên bày tỏ tỉnh giáo dục tại Điện Biên cũng gặp nhiều khó khăn do là tỉnh miền núi, hơn 90% là học sinh đồng bào; tuy nhiên việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 đạt nhiều kết quả tốt, hoàn thành 9 modules tập huấn giáo viên. Đối với đợt tập huấn lần này, các thầy cô giáo ở tỉnh Điện Biên sẽ cần thiết tham dự tập huấn đầy đủ, nghiêm túc; để sau khi tiếp cận được các tài liệu và phương pháp sư phạm của các giảng viên sẽ có thể áp dụng đưa các nội dung lịch sử quan hệ đặc biệt hai nước trong kế hoạch bài dạy của mình.

 
 

Các đại biểu, học viên tham dự tham dự phần trình bày chung của Hội nghị tập huấn

 

Tại Hội nghị tập huấn, sau bài trình bày chung về các sản phẩm cụ thể của Đề án, một số vấn đề chung về việc đưa nội dung lịch sử mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam vào dạy học trong các trường phổ thông Việt Nam của TS Lê Thị Sông Hương, đại diện nhóm báo cáo viên, ThS Đỗ Đức Lân, Phó trưởng Phòng Quản lý Khoa học, Đào tạo và Hợp tác quốc tế giới thiệu về website và các sản phẩm của Đề án;160 học viên được chia thành 4 lớp tập huấn nhỏ từ cấp Tiểu học đến Đại học.

 
 

Nhóm lớp tập huấn cấp cao đẳng, đại học chụp ảnh lưu niệm với các ban tổ chức và các đại biểu

 
 
Lớp tập huấn cho nhóm học viên các cấp
 

Trong hai ngày 26/12 và 27/12/2023 các học viên đã được tập huấn theo các chủ đề: Hình thức tích hợp, phương pháp dạy học và định hướng đánh giá nội dung lịch sử quan hệ đặc biệt hai nước Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam khi triển khai ở các trường phổ thông; Hướng dẫn tích hợp nội dung lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam vào chương trình một số môn học và hoạt động giáo dục; Xây dựng kế hoạch bài dạy tích hợp nội dung giáo dục lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trong các môn Tiếng Việt, Lịch sử và Địa Lí, Đạo đức và Hoạt động trải nghiệm theo CT GDPT 2018.

 

Hội nghị Tập huấn đã kết thúc thành công tốt đẹp vào chiều ngày 27/12/2023, làm tiền để xây dựng phương hướng, kế hoạch triển khai các hoạt động tiếp theo trong năm 2024./.

 

Tin bài và ảnh: Phòng Quản lý khoa học, Đào tạo và Hợp tác quốc tế

Tin khác