Tọa đàm về “Đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học”

10/08/2017 16:55 GMT+7
Ngày 17 tháng 4 năm 2014, Ban Giám hiệu và Hội đồng giáo dục trường THPT Thực Nghiệm đã tổ chức buổi tọa đàm về “Đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học”.

 Đến dự buổi tọa đàm có sự tham gia của các vị đại biểu đến từ:
- Trường Dự bị Đại học dân tộc Trung ương: NGƯT. ThS. Lê Trọng Tuấn - Hiệu trưởng; ThS. Nguyễn Nhật Tân - Trưởng bộ môn Toán, ThS. Nguyễn Tuấn Anh - Trưởng bộ môn Hóa trường.
- Trung tâm Nghiên cứu giáo dục phổ thông: PGS.TS. Phạm Đức Quang - Phó Giám đốc Trung tâm; ThS.Nguyễn Thanh Trịnh - Trưởng phòng Nghiên cứu Giáo dục Công nghệ và Hướng nghiệp.
- Trường THPT Thực nghiệm: TS. Phan Thị Luyến – Hiệu trưởng và các giáo viên của trường.

Hiểu được sự cần thiết và tầm quan trọng phải đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới sinh hoạt chuyên môn, ngay từ đầu năm học Ban Giám hiệu trường THPT Thực nghiệm đã chỉ đạo, quán triệt các tổ chuyên môn, giáo viên cần tìm hiểu kỹ chuyên đề “Đổi mới sinh hoạt chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học”. Và buổi tọa đàm là diễn đàn để các giáo viên nhà trường có cơ hội được trao đổi kinh nghiệm giữa các Tổ bổ môn, chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm từ các đồng nghiệp của trường bạn và nghe ý kiến góp ý của các chuyên gia, qua đó nâng cao chất lượng sinh hoạt chuyên môn nói riêng và hiệu quả giảng dạy của nhà trường nói chung.

Chương trình buổi tọa đàm bao gồm các nội dung: dự giờ thao giảng, sinh hoạt chuyên môn sau dự giờ, và chia sẻ khoa học về “Sinh hoạt chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học”.

Bắt đầu chương trình, các vị khách mời cùng các giáo viên dự tiết thao giảng môn Toán lớp 11. Dự giờ theo cách nghiên cứu vào bài học tập trung chú ý đến hoạt động của HS. Do đó, người dự giờ không chỉ ngồi một chỗ cố định ở cuối lớp mà có thể ngồi bất kỳ vị trí nào nếu thấy thuận lợi cho việc quan sát các em học tập, đặc biệt quan sát cảm xúc, thái độ, hành vi trong các tình huống cụ thể.

Untitled.jpg

Sau đó là hoạt động sinh hoạt chuyên môn nhằm chia sẻ, nhận xét, đánh giá về hiệu quả của tiết dạy, chỉ ra những điểm cần điều chỉnh để giáo viên giúp học sinh tiếp thu tốt hơn, thông qua đó nâng cao hiệu quả dạy và học của giáo viên và học sinh.

Nội dung tiếp theo của buổi tọa đàm là bài trình bày về “Sinh hoạt chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học” do bà Đào Như Trang, chuyên gia giáo dục của Dự án Plan trình bày. Theo bà Trang, việc dự giờ trước đây thường chú ý đến hoạt động dạy của GV, tập trung vào đánh giá GV, đôi khi GV dạy trở thành mục tiêu bị phân tích, mổ xẻ các thiếu sót. Còn việc sinh hoạt chuyên môn theo cách nghiên cứu bài học lại là cơ hội để đồng nghiệp được học hỏi lẫn nhau trên cơ sở trải nghiệm thực sự của những người tham gia dự giờ thông qua quá trình quan sát, suy ngẫm và chia sẻ thực tế, không đánh giá GV. Trong giờ sinh hoạt chuyên môn đó đó, các giáo viên cùng nhau nghiên cứu và chia sẻ trên tinh thần xây dựng, qua đó cùng giúp đỡ nhau nâng cao hiệu quả của việc dạy học. Hơn nữa, nhờ hoạt động sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học, các giáo viên không những được hiểu thêm về hoạt động dạy mà còn nhìn nhận lại hoạt động học của học sinh, giúp họ phân tích từng học sinh, tránh cái nhìn học sinh chung chung và không để các em học sinh yếu kém, trung bình bị bỏ rơi.

Untitled2.jpg

Sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học không đặt nặng việc quan tâm nhận xét, đánh giá hoạt động dạy của giáo viên như trước đây mà khuyến khích người dự giờ hướng đến đối tượng học sinh để làm sao giúp đỡ mọi em học sinh đều có cơ hội được học tốt hơn, có được một bài học hoàn chỉnh, chất lượng, gây được hứng thú và niềm say mê học tập,… Trong mỗi tiết học, các giáo viên cần tập trung chú ý và phân tích các vấn đề liên quan đến người học, phải xem thử học sinh học như thế nào, đang gặp khó khăn gì, giờ học có ý nghĩa với các em không? Nội dung và phương pháp giảng dạy của giáo viên có phù hợp và gây hứng thú cho học sinh không? Kết quả cuối cùng có được cải thiện hay không? Nếu cần điều chỉnh thì điều chỉnh gì và điều chỉnh như thế nào cho phù hợp nhất?... Sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học là một quá trình với nhiều khâu, nhiều bước chứ không còn đơn thuần chỉ là một buổi các thành viên trong tổ đến để bàn bạc về một bài học hay một đơn vị kiến thức cụ thể trong một tiết dạy nào đó trong chương trình.

Kết thúc buổi tọa đàm, TS. Phan Thị Luyến – Hiệu trưởng trường THPT Thực nghiệm nhận định kết quả của buổi tọa đàm đã giúp các giáo viên hiểu rõ hơn vai trò, ý nghĩa sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học để tiếp tục phát huy và tích cực nâng cao chất lượng giảng dạy của nhà trường, đồng thời, thay mặt Ban Giám hiệu nhà trường cảm ơn và đánh giá cao sự tham gia, chia sẻ của các đại biểu và chuyên gia.

Nguyễn Thanh Trịnh
Trung tâm nghiên cứu giáo dục phổ thông 
Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam