Tọa đàm “Bạo lực học đường – Nguyên nhân và giải pháp phòng ngừa”

10/08/2017 16:55 GMT+7
Ngày 25/03/2015, Viện KHGDVN đã tổ chức tọa đàm “Bạo lực học đường – Nguyên nhân và giải pháp phòng ngừa”, thu hút được nhiều chuyên gia về tâm lý học đường, bạo lực học đường trong và ngoài Viện, các đơn vị truyền thông, cùng các cán bộ nghiên cứu của Viện.

DSC07913.JPGMục tiêu của buổi tọa đàm là nhận diện đúng bản chất của bạo lực học đường dưới góc nhìn của Tâm lý học, Giáo dục học và Xã hội học; từ đó phân tích các nguyên nhân dẫn đến thực trạng bạo lực học đường như hiện nay, nhằm đề xuất một số giải pháp giáo dục và phòng ngừa hành vi bạo lực học đường.

Đến dự buổi tọa đàm có sự hiện diện của GS.TS. Trần Công Phong - Viện trưởng Viện KHGD VN; đại diện Vụ Giáo dục tiểu học, Vụ Công tác học sinh – sinh viên; đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội; đại diện một số trường phổ thông trên địa bàn Hà Nội; đại diện tổ chức UNESCO Việt Nam; các chuyên gia về Tâm lý học, Giáo dục học, Xã hội học về tâm lý học đường và bạo lực học đường; đại diện một số cơ quan truyền thông (VOV, Giáo dục thời đại, Dân trí, Tiền phong, Vietnamnet,…); và các cán bộ nghiên cứu quan tâm tới dự.

Các đại biểu tham dự nhất trí rằng bạo lực học đường là hành vi đã, đang và sẽ tiếp tục diễn ra. Hành vi đó dù diễn ra một lần hoặc nhiều lần, diễn ra ở trong hoặc ngoài trường, diễn ra có chủ đích hoặc vô ý thì cũng tác động không tốt đến sự phát triển nhân cách của học sinh cũng như ảnh hưởng không tốt đến môi trường giáo dục.

Nhiều nguyên nhân của hành vi bạo lực học đường cũng đã được chỉ ra là nguyên nhân từ gia đình (thiếu sự quan tâm giáo dục của cha mẹ, ảnh hưởng từ văn hóa gia đình,…), nguyên nhân từ nhà trường (việc quản trị nhà trường chưa được chú trọng, thiếu hụt đội ngũ tư vấn tâm lý giúp học sinh giải quyết các mâu thuẫn, giải tỏa căng thẳng,…), nguyên nhân từ xã hội (những tác động không mong muốn của việc bùng nổ internet, toàn cầu hóa, còn thiếu khu vui chơi giải trí lánh mạnh cho học sinh,… ), nguyên nhân thiếu sự liên kết giáo dục giữa gia đình – nhà trường – xã hội. Các nguyên nhân đó làm ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của học sinh, làm ảnh hưởng xấu đến việc tự nhận thức về hành vi của các em.

Các giải pháp được đề cập đến trong buổi tọa đàm tập trung vào việc tăng cường sự tham gia của phụ huynh giáo dục con em, nhà trường tổ chức các nhóm hỗ trợ quản trị nhà trường, phối hợp với gia đình giáo dục phát triển nhân cách học sinh.

Lương Đình Hải, Trung tâm Thông tin - Thư viện