Đề xuất định hướng phát triển giáo dục STEM cho trẻ em gái ở Việt Nam

10/08/2017 16:55 GMT+7
Ngày 28/3/2017, Hội thảo quốc gia về Giáo dục STEM cho trẻ em gái ở Việt Nam đã bước sang ngày thứ hai với các Phiên thảo luận quan trọng; tập trung vào ba nhóm vấn đề chính là: Chính sách giáo dục STEM cho trẻ em gái; Chương trình giáo dục STEM cho trẻ em gái; Đội ngũ giáo viên đáp ứng dạy học chương trình giáo dục STEM cho trẻ em gái.

Trên cơ sở nghiên cứu của Viện KHGDVN về “Thực trạng giáo dục STEM cho trẻ em gái” và nghiên cứu của các nhà khoa học từ các trường đại học, các cơ sở giáo dục, các tổ chức trong nước, quốc tế Hội thảo đã đưa ra các đánh giá chung về thực trạng Phát triển giáo dục STEM cho trẻ em gái ở Việt Nam, ghi nhận ba thành tựu/kết quả đạt được: (1) Đã ban hành nhiều văn bản luật và dưới luật về phát triển giáo dục stem cho trẻ em gái và các vấn đề liên quan; (2) Trong Chương trình quốc gia, giáo dục STEM đã và đang được triển khai theo hướng biên soạn các chủ đề tích hợp các lĩnh vực STEM; trong định hướng xây dựng chương trình giáo dục mới các môn STEM chiếm tỉ trọng đáng kể; (3) Một số tổ chức và doanh nghiệp đã phối hợp, hỗ trợ các cơ sở giáo dục thực hiện nhiều hoạt động STEM.
     
Đồng thời, Hội thảo cũng chỉ ra ba hạn chế cần khắc phục như: (1) Chưa có chiến lược, chương trình quốc gia về giáo dục STEM; (2)Các nghiên cứu, đánh giá việc thực hiện giáo dục STEM còn ít và chưa đạt qui mô quốc gia; (3) Giáo dục STEM cho trẻ em gái chưa được quan tâm đúng mức, những học sinh nữ ở nông thôn, vùng khó khăn, nhất là dân tộc thiểu số vẫn chịu thiệt thòi về tiếp cận lĩnh vực khoa học, kĩ thuật, công nghệ thông tin.
     
Xác định sáu giải pháp, điều kiện phát triển giáo dục STEM cho trẻ em gái ở Việt Nam: (1)Tổ chức khảo sát trên diện rộng quốc gia về giáo dục STEM, hỗ trợ và tư vấn STEM, đào tạo các ngành, nghề STEM đối với trẻ em gái;(2) Xây dựng chiến lược, chính sách, chương trình hành động quốc gia về giáo dục STEM và bình đẳng giới;(3)Phát triển chương trình, tài liệu tích hợp STEM, liên thông từ giáo dục mầm non đến giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học, nghiên cứu và xây dựng mô hình tổ chức giáo dục STEM;(4)Phát triển chuyên môn cho đội ngũ giáo viên, hỗ trợ các cơ sở giáo dục về giáo dục STEM và giáo dục STEM cho trẻ em gái;(5)Nâng cao nhận thức về việc khuyến khích, tạo cơ hội, hỗ trợ, tư vấn để trẻ em gái tham gia nhiều hoạt động STEM, thúc đẩy sự tham gia của trẻ em gái vào STEM;(6)Mở rộng phạm vi thí điểm giáo dục STEM ở vùng thành thị và nông thôn và bước đầu thí điểm giáo dục STEM cho trẻ em gái ở địa phương, sau đó mở rộng dần.
     
Và đề xuất thành lập đơn vị làm công tác phát triển giáo dục STEM quốc gia trực thuộc Bộ GD&ĐT; giao Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tập trung nghiên cứu giáo dục STEM, triển khai thí điểm giáo dục STEM cho trẻ em gái tại các trường thực nghiệm của Viện.
     
Nét đặc biệt của Hội thảo được các vị đại biểu và các tổ chức quốc tế ghi nhận là:Ủy viên Ban Cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo – Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đã tham gia Hội thảo với tư cách một thành viên, trực tiếp tham gia thảo luận nhóm như tất cả các đại biểu khác. Trên cơ sở đó, Thứ trưởng đã có phát biểu chỉ đạo mang hơi thở của thực tiễn, của người trong cuộc.
     
Kết thúc Phiên thảo luận, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh - Phó Viện trưởng Viện KHGDVN cho rằng, các Phiên thảo luận là hết sức quan trọng, có tính chất định hướng cho giáo dục STEM cho trẻ em gái ở Việt Nam trong thời gian tới. Phó Viện trưởng trân trọng ghi nhận và cảm ơn Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa và các vị đại biểu đã tin tưởng Viện, đến với Hội thảo bằng cả tâm huyết và trí tuệ; cảm ơn sự hỗ trợ tài chính, kĩ thuật của IBE, UNESCO và các đồng nghiệp đến từ Bộ Giáo dục Malaisia.
 
Một số hình ảnh các Phiên thảo luận
 
 stem1.jpg
Ủy viên BCS Đảng Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng – TS. Nguyễn Thị Nghĩa 
tham gia nhóm thảo luận về chính sách giáo dục sáng 28/3/2017
 
 stem2.jpg
Nhóm thảo luận về chương trình giáo dục
 
stem33.jpg
Nhóm thảo luận về giáo viên
 
 stem4.jpg
Phó Viện trưởng – PGS.TS Nguyễn Đức Minh tham gia thảo luận Nhóm chính sách
 
 stem55.jpg
Ủy viên Ban Cán sự - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT TS. Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu chỉ đạo sau Phiên thảo luận.
 
 
Tin và bài: Phòng TH-HC-QT