Hội thảo “Giáo dục công dân toàn cầu, kỹ năng chuyển đổi và năng lực số trong nhà trường phổ thông Việt Nam”

22/03/2022 17:07 GMT+7
Ngày 22/03/2022, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam tổ chức hội thảo “Giáo dục công dân toàn cầu, kỹ năng chuyển đổi và năng lực số trong nhà trường phổ thông Việt Nam” theo hình thức trực tiếp kết hợp hình thức trực tuyến.

Đến dự hội thảo có sự tham gia của GS. TS. Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, TS. Tạ Ngọc Trí, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, cùng hơn 200 đại biểu là các bộ quản lý, đội ngũ giảng viên các cơ sở giáo dục trong cả nước.
 
 Ông Lê Anh Vinh phát biểu khai mạc hội thảo 
 
Phát biểu khai mạc, Viện trưởng Lê Anh Vinh nhiệt liệt chào mừng và trân trọng cảm ơn các vị đại biểu tham dự hội thảo ngày hôm nay. Trong thời đại bùng nổ của internet, chúng ta sẽ cần giáo dục chính chúng ta, cũng như cần giáo dục thế hệ trẻ nhằm thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng. Các cơ sở giáo dục hiện đang nỗ lực để thay đổi con đường giáo dục của mình và cũng đã chỉ ra những điểm sáng đổi mới giáo dục theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất cần thiết cho người học. Những nỗ lực đó, theo chúng tôi, cần được ghi nhận và lan tỏa.
 
 Ông Lương Việt Thái trình bày quan điểm về kỹ năng, năng lực trong giáo dục công dân toàn cầu 
 
Tiếp theo chương trình, hội thảo bắt đầu phiên làm việc đầu tiên với chủ đề “Giáo dục công dân toàn cầu, kĩ năng chuyển đổi trong nhà trường phổ thông Việt Nam “ theo sự điều hành của GS. Lê Anh Vinh. TS. Lương Việt Thái, Viên Khoa học giáo dục Việt Nam, mở đầu với bài trình bày về “Một số vấn đề về giáo dục công dân toàn cầu ở trường phổ thông Việt Nam”. Trong thế giới toàn cầu hóa, với nhiều thách thức, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ như hiện nay, vấn đề giáo dục công dân toàn cầu đã và đang nhận được sự quan tâm của nhiều nước. Việt Nam cũng đã cam kết thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của UNESCO. Điều này được thể hiện qua các văn bản, chính sách, như Quyết định số 2161/QĐ-BGDĐT, Quyết định số 404/QĐ-TTg, các văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục năm học Bộ GD& ĐT đã chỉ đạo thực hiện một số nội dung liên quan tới giáo dục công dân toàn cầu. Các tiêu chí, chỉ số về công dân toàn cầu ở trường phổ thông Việt Nam cũng đã được nghiên cứu và đề xuất, bao gồm các nội dung liên quan đến yếu tố toàn cầu, và các nội dung liên quan đến trải nghiệm khám phá. TS. Lương Việt Thái cũng chia sẻ các hoạt động giáo dục công dân toàn cầu trong nhà trường Việt nam ở một số môn học cụ thể.
 
  ThS. Nguyễn Hồng Liên trình bày phương pháp nghiên cứu của đề tài
   
Ở nội dung trình bày tiếp theo, ThS. Nguyễn Hồng Liên, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, đề cập đến “Dạy học và đánh giá kĩ năng chuyển đổi trong trường tiểu học của Việt Nam”. Nội dung trình bày về thực tiễn của việc dạy học kỹ năng chuyển đổi và hoạt động đánh giá kỹ năng chuyển đổi trong lớp học và dạy học trực tuyến ở các trường tiểu học Việt Nam. Nghiên cứu đề xuất việc ban hành các chiến lược cụ thể từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, nâng cao năng lực của giáo viên, đồng thời tăng cường sự phối hợp với cộng đồng.
   
 Bà Thạch Lan Anh chia sẻ các hoạt động giáo dục kỹ năng chuyển đổi tại Trường TH, THCS, THPT Thực nghiệm Khoa học giáo dục 
  
TS. Thạch Lan Anh, Trường TH, THCS, THPT Thực nghiệm Khoa học giáo dục, trình bày “Giáo dục kĩ năng chuyển đổi cho học sinh tiểu học tại Trường TH, THCS, THPT Thực nghiệm Khoa học giáo dục”. Bà giới thiệu định hướng của nhà trường trong phát triển các kĩ năng chuyển đổi cho học sinh. Bên cạnh đó là các nội dung chia sẻ về các hoạt động giáo dục tiêu biểu của nhà trường liên quan kỹ năng chuyển đổi, việc sử dụng các nguồn lực và các bên liên quan trong việc thúc đẩy kĩ năng chuyển đổi cho học sinh, đào tạo giáo viên để đáp ứng yêu cầu dạy học phát triển kĩ năng chuyển đổi cho học sinh, thách thức và giải pháp của nhà trường trong việc thúc đẩy kĩ năng chuyển đổi cho học sinh.
 
Bài trình bày cuối phiên trình bày về “Một số kĩ năng chuyển đổi của học sinh tiểu học tại Hà Nội” do ThS. Lương Đình Hải, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, trình bày. Thông tin được chia sẻ đề cập về quá trình thực hiện nghiên cứu và thực trạng kỹ năng chuyển đổi của học sinh tiểu học ở Hà Nội. Kết quả cho thấy học sinh tiểu học tích cực trong các hoạt động học tập trực tuyến. Ngoài ra, các em sử dụng thành thạo và thường xuyên sử dụng các kỹ năng chuyển đổi trong hoạt động học tập cũng như các hoạt động trong cuộc sống, sự đa dạng, mức độ tham gia các hoạt động học tập trực tuyến có mối liên hệ với sự thành thạo các kỹ năng chuyển đổi.
 
Phiên làm việc thứ hai chủ đề “Năng lực số trong nhà trường phổ thông Việt Nam” được chủ trì bởi TS. Tạ Ngọc Trí. ThS. Đỗ Đức Lân, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, mở đầu phiên làm việc với bài trình bày về “Khung năng lực số cho học sinh phổ thông Việt Nam”. Dựa vào khung năng lực số của UNESCO, DigComp 2.0, DKAP, Chương trình Tin học 2018, nghiên cứu đề xuất khung năng số với 07 miền năng lực: Vận hành các thiết bị kỹ thuật số, Xử lí thông tin và dữ liệu, Giao tiếp và Hợp tác, Tạo nội dung số, An toàn kỹ năng số, Giải quyết vấn đề, Năng lực định hướng nghề nghiệp.
 
ThS. Phùng Thị Thu Trang, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, trình bày chủ đề về “Năng lực số của học sinh trung học Việt Nam và một số nhân tố ảnh hưởng”.
 
ThS. Hoàng Phương Hạnh trình bày các yếu tố tác động đến năng lực số của học sinh trung học cơ sở
 
Nội dung trình bày thứ ba của phiên về chủ đề “Một số yếu tố tác động đến năng lực số của học sinh trung học cơ sở” do ThS. Hoàng Phương Hạnh, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, trình bày. Nội dung đã trả lời các câu hỏi nghiên cứu Điểm trung bình môn Tin học/CNTT có phản ánh năng lực an toàn số không? Trải nghiệm cá nhân, hoạt động ngoại khoá, sở thích học tập có vai trò như thế nào? Tác động gián tiếp của giới tính và khả năng ngoại ngữ? Kết quả cho thấy không có mối liên hệ nào giữa điểm số và năng lực an toàn số, cũng như không có sự khác biệt giữa hai nhóm học sinh về các khía cạnh năng lực an toàn số (ngoại trừ vấn đề bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng). Ngoài ra, mối quan hệ không tương quan giữ nguyên ý nghĩa thống kê đối với nhóm học sinh nữ. Đối với cả hai nhóm học sinh nam và nữ, các yếu tố có sức ảnh hưởng là tham gia các lớp học thêm/câu lạc bộ, trải nghiệm ngoại khoá, các trải nghiệm học tập tích cực, chủ động.
 
 TS. Tạ Ngọc Trí điều hành phiên thảo luận thứ hai 
 
Các phiên thảo luận đã diễn ra sôi nổi. Các vị đại biểu cùng các diễn giả đã làm sáng tỏ các vấn đề về nội hàm các khái niệm của các nghiên cứu, các tiêu chí lựa chọn mẫu khảo sát, các yếu tố ảnh hưởng đến giáo dục kỹ năng chuyển đổi, năng lực số trong nhà trường phổ thông, và chia sẻ các định hướng nghiên cứu cần thực hiện tiếp theo.
 
 Các diễn giả và Ban tổ chức hội thảo
  
Phát biểu bế mạc hội thảo, GS. Lê Anh Vinh một lần nữa cảm ơn các chuyên gia, diễn giả, các đại biểu tham dự hội thảo này. Trong những năm tiếp theo, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện các chương trình nghiên cứu nhằm hỗ trợ giáo viên triển khai các hoạt động giáo dục kỹ năng chuyển đổi, cũng như nhằm đề xuất các chính sách liên quan. Ông cũng mong muốn đây tiếp tục sẽ là diễn đàn trao đổi kinh nghiệm về giáo dục công dân toàn cầu, kỹ năng chuyển đối và năng lực số trong các trường phổ thông Việt Nam.
    
Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam.