Sinh hoạt chuyên đề "Tìm hiểu về truyền thống hiếu học, chính sách thi cử tuyển chọn nhân tài”

09/11/2022 11:45 GMT+7
Ngày 07/11/2022, Chi bộ Trung tâm Thông tin và Dự báo kết hợp Chi bộ Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề "Tìm hiểu về truyền thống hiếu học, chính sách thi cử tuyển chọn nhân tài”.

 
Các đại biểu tìm hiểu thông tin về trường đại học quốc gia đầu tiên của nước ta
  
Tham dự buổi sinh hoạt chuyên đề có đầy đủ đảng viên của hai chi bộ cùng các viên chức của hai đơn vị. Các đại biểu tham gia buổi sinh hoạt thực tế tại Văn Miếu Quốc tử giám.
 
Thi cử đã xuất hiện ở Việt Nam từ gần 1.000 năm, kể từ khoa thi đầu tiên năm Ất Mão 1075 đời Lý. Người bọc bắt đầu làm quen với việc học từ năm 10 tuổi với những quyển sách kinh điển của Nho giáo, bao gồm Tứ thư (Đại Học, Luận Ngữ, Mạnh Tử, Trung Dung), Ngũ kinh (Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Dịch, Kinh Xuân thu), Bắc sử (sử Trung Quốc), Nam sử (sử nước ta). Tất thảy phải thuộc lòng, quên một chữ là phải tìm thầy để hỏi, sĩ tử phải học bằng quyết tâm sống còn mới có thể ra trường thi.
 
Các cuộc thi không giới hạn về tuổi tác nên trẻ dưới hai mươi, già trên năm mươi đều có thể ứng thí. Lịch sử ghi nhận nhiều trường hợp cha và con cùng đi thi.
 
Những thí sinh muốn dự thi phải ghi danh tại lý trưởng của làng để xem xét tư cách. Nhà Nguyễn có những quy định chặt chẽ về những trường hợp không được dự thi. Ví dụ như những người đang chịu tang cha hoặc mẹ, hoặc đang chịu tang ông bà nội mà đương sự là người phải lo việc thờ phụng; những người bất hiếu, bất mục (không hòa thuận với anh em), gian dâm, bạo tàn; thân thuộc với những người phạm tội đã bị chém, giảo (thắt cổ), đi đày, sung quân (dù những người này đã được tha về)… thì không được ứng thí; thân thuộc với giặc; người theo tả đạo (đạo Thiên Chúa) bị cấm dự thi, nhưng ra khỏi đạo thì cho dự thi; phụ nữ bị cấm tiệt không được dự thi.
 
Ngoài ra, triều đình còn quy định những người ngoại tỉnh đến trú ngụ học thi phải về thi tại quê quán, trừ những người theo cha ông đi trấn nhậm ở xa. Trong quyển thi (tức bài thi, đóng bằng giấy bổi) của mình, trang đầu tiên ngoài tên tuổi, quê quán và nơi học tập, thí sinh phải ghi rõ phần cung khai tam đại (kê khai ba đời) về ông cố, ông nội, cha: nghề nghiệp, còn sống hay đã chết. Nếu đã phạm vào những quy định trên thì chắc chắn không được dự thi, nhưng nếu đã có quyền dự thi thì tất cả thí sinh đều hoàn toàn bình đẳng, không có tầng lớp nào bị đối xử nghiệt ngã hay được ban đặc quyền đặc lợi.
  
 
Các đại biểu tìm hiểu về truyền thống hiếu học, chính sách thi cử tuyển chọn nhân tài qua các thời kỳ
  
Trong suốt 143 năm tồn tại, triều Nguyễn tổ chức 39 khoa thi hội, lấy đỗ 293 vị tiến sĩ, chỉ có duy nhất một người trong hoàng tộc (dòng họ nhà vua) đỗ đại khoa, đó là ông Tôn Thất Lĩnh, đỗ tiến sĩ khoa Kỷ Sửu (1889) triều Thành Thái. Trên các bia tiến sĩ chỉ thấy lác đác vài người xuất thân là ấm sinh, ấm tử (con của quan lại từ hàng tam phẩm trở lên, được học trong trường QuốcTử Giám), còn lại đại đa số là con em giới bình dân.
 
Thông qua buổi sinh hoạt chuyên đề, các đảng viên và đại biểu tham dự nhận thấy tinh thần hiếu học của dân ta, chính sách, quy trình trình thực hiện, quy trình giám sát thi cử tuyển chọn hiền tài của các thời kỳ. Tư tưởng vẫn phù hợp trong bối cảnh hiện nay.
 
Tin bài và ảnh: Chi bộ Trung tâm Thông tin và Dự báo, Chi bộ Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam