Hội thảo và tập huấn về An toàn trường học

07/02/2023 19:08 GMT+7
Ngày 7/2/2023, tại hội trường Trường TH, THCS, THPT Thực Nghiệm KHGD, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp với Hội đồng khảo thí và Nhà xuất bản Đại học Cambridge và Hội đồng Anh (British Council) tổ chức Hội thảo và Tập huấn về “An toàn trường học”. Hội thảo và tập huấn được tổ chức nhằm tạo diễn đàn để các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý giáo dục cùng và các giáo viên thảo luận về các kiến thức và tìm giải pháp cho an toàn trường học cũng như chia sẻ các bài học, kinh nghiệm thực tiễn trong xây dựng môi trường an toàn trong trường học và giáo dục; trang bị cho học sinh các kỹ năng đảm bảo an toàn cho bản thân.

Hội thảo có sự tham dự của TS. Trần Văn Lam, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo; ông Nguyễn Xuân An Việt, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV, Bộ Giáo dục và Đào tạo; ông GS. Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, bà Trần Phương Thúy, quản lí các chương trình thi quốc tế, Hội đồng Anh tại Việt Nam, ông Melvyn Lim, quản lý cấp cao các nước Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào, Tổ chức Giáo dục Cambridge cùng các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý giáo dục, ban giám hiệu các nhà trường và các giáo viên quan tâm tới chủ đề của hội thảo.
  

Viện trưởng Lê Anh Vinh phát biểu tại hội thảo
 
Phát biểu khai mạc hội thảo, GS. Lê Anh Vinh cho biết môi trường giáo dục có tác động quan trọng tới sự hình thành và phát triển nhân cách của học sinh. Môi trường góp phần tạo nên mục đích, động cơ, cung cấp phương tiện cho hoạt động và giao tiếp của học sinh. Nhờ đó mà mỗi học sinh chiếm lĩnh được những tri thức, thái độ, hành vi và thói quen tốt đẹp trong học tập và cuộc sống.
  
Một môi trường học tập an toàn với sự công bằng, không bạo lực, quan tâm đến sức khỏe thể chất, tinh thần và cảm xúc sẽ thúc đẩy sự phát triển về kiến thức, kỹ năng, thái độ, giá trị, đạo đức. Qua đó, học sinh có thể phát triển toàn diện cũng như phát huy hết tiềm năng của mình.
  
 
Phiên tọa đàm tại hội thảo
   
Phiên tọa đàm “An toàn trường học dưới góc nhìn đa chiều” với sự điều hành của Viện trưởng Viện KHoa học Giáo dục Việt Nam cùng các diễn giả: bà Daun C Yorke, Hiệu trưởng trường Quốc tế Hà Nội; ông Nguyễn Xuân An Việt, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV, Bộ Giáo dục và Đào tạo; ông Nguyễn Đức Lượng, Phó trưởng Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Thanh Oai và bà Lê Thị Mai Hương, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường TH, THCS, THPT Thực Nghiệm KHGD. Các diễn giả cùng với các đại biểu cùng nhau thảo luận về thực trạng và vai trò của giáo dục về an toàn trường học cho học sinh Việt Nam trong bối cảnh hiện nay; những thuận lợi và khó khăn khi triển khai giáo dục về an toàn trường học, các giải pháp đẩy mạnh an toàn trường học cho học sinh Việt Nam.
 
Tại phiên tập huấn về An toàn trường học, bà Nguyễn Phương Anh, Hội đồng Anh, đã đưa ra khái niệm Bảo đảm an toàn (Safeguarding) và các khái niệm liên quan. Trong đó bà nhấn mạnh các loại hình, hình thức bạo hành/ ngược đãi và dấu hiệu nhận biết người/ trẻ bị bạo hành/ ngược đãi. Trong khuôn khổ chính sách Bảo đảm an toàn của Hội đồng Anh, công tác bảo đảm an toàn bao gồm các hoạt động ngăn ngừa, phòng chống và xử lý các hành vi có tính chất lạm dụng, xâm hại, ngược đãi đối với cả người lớn và trẻ em. Chính sách này là bắt buộc và phải được áp dụng trong mọi tình huống làm việc của Hội đồng Anh và đối tác và Hội đồng Anh giữ nguyên tắc không khoan nhượng (zerotolerance) đối với bất kỳ vi phạm nào về bảo đảm an toàn.
   

Đại biểu chia sẻ thông tin tại hội thảo
 
Tiếp theo là nội duung về Trách nhiệm của nhà trường trong công tác bảo đảm an toàn cho học sinh và cách xây dựng và triển khai hệ thống bảo đảm an toàn trong nhà trường. Các đại biểu sẽ được nghe về các tiêu chí báo cáo các quan ngại, cách phản ứng và xử trí khi tiếp nhận thông tin, các bối cảnh có thể diễn ra bạo hành và các yếu tố chính tạo ra văn hóa học đường an toàn.
  
 
Các nhóm thảo luận
  
Trong phần thực hành, các đại biểu trong hội trường được chia theo nhóm để thảo luận về các hoạt động với các yếu tố an toàn, các lỗ hổng/ nguy cơ tiềm ẩn cần được nêu/ cải thiện tại trường.
  
Các tài liệu hướng dẫn về hệ thống bảo đảm an toàn:
  
• Hướng dẫn về đảm bảo an toàn cho trẻ em trong trường học (Hướng dẫn chính thức của Bộ Giáo dục Anh): https://www.gov.uk/government/publications/keeping-children-safe-in-education--2
• Công cụ đánh giá hệ thống, quy trình bảo đảm an toàn và bảo vệ Trẻ em của tổ chức NSPCC: https://learning.nspcc.org.uk/safeguarding-self-assessment-tool
 
Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam