Nghiệm thu cơ sở nhiệm vụ KH&CN cấp Bộ: “Triết lý giáo dục Việt Nam”

10/08/2017 16:55 GMT+7
Ngày 21/01/2013, Viện KHGD VN tổ chức nghiệm thu cơ sở nhiệm vụ KH&CN cấp Bộ: “Triết lý giáo dục Việt Nam”, mã số: B2011 – 37- 05NV, do GS. TSKH. Phạm Minh Hạc làm chủ nhiệm.

Mục tiêu nghiên cứu
- Điểm lại làm sáng tỏ triết lý giáo dục (TLGD) Việt Nam, nhất là từ 1945 đến đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam;
- Góp phần cập nhật, đề xuất phát triển TLGD Việt Nam thời “Kinh tế thị trường định hướng XHCN” CNH, HĐH, hội nhập quốc tế;
- Góp phần khắc phục các hiểu lầm, thậm chí từ chỗ phủ nhận TLGD Việt Nam đi đến phủ định sạch trơn thành tựu giáo dục 65 năm qua;
- Cung cấp tài liệu có thể phổ biến trong toàn ngành cũng như trong xã hội các tư tưởng chính thống chỉ đạo chấn hưng nền giáo dục nước nhà theo chủ trương “Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục” làm khâu đột phá thứ hai trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 của nước ta (Văn kiện đại hội XI).

Nội dung nghiên cứu
- Khái niệm triết lý- triết lý giáo dục: Tổng quan về triết học và triết lý; TLGD, TLGD Việt Nam.
- Các quan điểm TLGD trong lịch sử: TLGD của Khổng Tử; TLGD của Socrates, Plato, Aristotle; TLGD thời Phục hưng; TLGD của Rousseau; TLGD của Các Mác; TLGD của Deway; TLGD của một vài nước châu Âu; TLGD của Mỹ, TLGD của một số nước châu Á.
Cơ sở tâm lý học của TLGD: Tâm lý học và triết lý giáo dục.
- Triết lý giáo dục Việt Nam: TLGD Việt Nam trước cách mạng tháng tám năm 1945; Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục ( TLGD Hồ Chí Minh); TLGD dân chủ nhân dân; TLGD phục vụ kháng chiến và kiến quốc; TLGD Việt Nam: 10 tư tưởng chỉ đạo; TLGD Việt Nam thập kỉ cuối thế kỉ XX- đầu thế kỉ XXI; Đại hội XI và triết lý giáo dục Việt Nam.

Sản phẩm khoa học: Sách tham khảo: “Bàn về triết lý giáo dục Việt Nam”; Sách chuyên khảo: “Triết lý giáo dục thế giới và Việt Nam”; 01 bài báo đăng trên tạp chí Giáo dục.

Ý kiến đóng góp của hội đồng nghiệm thu
- Hội đồng đánh giá cao đóng góp của đề tài: đề tài có ý nghĩa khoa học và thực tiễn lớn, có phương pháp nghiên cứu hiện đại và là đề tài cơ bản của khoa học Giáo dục.
- Cần làm rõ hơn TLGD và giá trị bản thân (phần 4). Bổ sung thêm phần bàn luận.
- Đề nghị thêm phần kết luận, kiến nghị và mục lục để nghiệm thu chính thức.
- Tài liệu tham khảo rất phong phú thể hiện nghiên cứu nghiêm túc và là tài liệu có giá trị tuy nhiên cần sắp xếp theo thứ tự phù hợp.

Kết luận của hội đồng: Đề nghị nhóm nghiên cứu đề tài chỉnh sửa để nghiệm thu chính thức trong thời gian tới.

 

             Nguyễn Thị Ngọc Thúy
        Trung tâm Thông tin – thư viện