Nghiệm thu nghiệm vụ thường xuyên theo chức năng đối với Trung tâm Giáo dục Đặc biệt Quốc gia

17/12/2021 10:11 GMT+7
Ngày 16/12/2021, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam tổ chức nghiệm thu hai nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng đối với Trung tâm Giáo dục Đặc biệt Quốc gia. Hội đồng nghiệm thu do Phó Viện trưởng Nguyễn Đức Minh làm Chủ tịch hội đồng.

Nhiệm vụ thứ nhất là “Thu thập và xây dựng kí hiệu ngôn ngữ dành cho cấp học phổ thông môn Vật lý, Hóa học, Sinh học cho người khuyết tật nghe, nói” do ThS. Nguyễn Thị Bích Trang làm chủ nhiệm. Mục tiêu của nhiệm vụ là xây dựng luận cứ khoa học cho việc hình thành hệ thống kí hiệu ngôn ngữ các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học dành cho học sinh khiếm thính cấp trung học phổ thông. Nhóm nghiên cứu đã tổng quan nghiên cứu trong nước và quốc tế về xây dựng kí hiệu ngôn ngữ; tổng hợp, phân tích đặc điểm và các cấp độ của ký hiệu ngôn ngữ Việt Nam; tổng hợp, phân tích các yếu tố ảnh hưởng tới phát triển ngôn ngữ kí hiệu trên thế giới và ở Việt Nam; tìm kiếm, thu thập tài liệu kinh nghiệm một số nước trên thế giới và kinh nghiệm của Việt Nam về thu thập và xây dựng ký hiệu ngôn ngữ; báo cáo thực trạng kí hiệu ngôn ngữ môn Vật lý, Hóa học, Sinh học đang được sử dụng ở cấp trung học phổ thông, bao gồm danh mục tài liệu ký hiệu ngôn ngữ của từng môn học.
  
Nhiệm vụ thứ hai là “Nghiên cứu phát triển chương trình tiền học đường cho học sinh khuyết tật nhìn chuẩn bị vào lớp Một tại Việt Nam” do ThS. Trần Thị Văng làm chủ nhiệm. Đề tài đã xây dựng được cơ sở lý luận về phát triển khung chương trình tiền học đường cho trẻ khuyết tật nhìn chuẩn bị vào lớp 1 hòa nhập tại Việt Nam. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu đánh giá được cơ sở thực tiễn của đề tài với việc tìm hiểu kinh nghiệm trong nước và quốc tế đồng thời khảo sát thực trạng phát triển chương trình tiền học đường dành cho trẻ khuyết tật nhìn hiện nay tại Việt Nam. Cuối cùng là xây dựng khung chương trình tiền học đường cho trẻ khuyết tật nhìn chuẩn bị vào lớp 1 hòa nhập.
  
Các nhiệm vụ nghiên cứu của đơn vị được hội đồng đánh giá cao về tính cấp thiết, tính khả thi cũng như về chất lượng nghiên cứu.
  
Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam

Tin khác