Nghiệm thu đề tài KH&CN cấp Bộ “Nghiên cứu đề xuất mô hình phát triển bền vững trường phổ thông dân tộc bán trú đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục”

12/07/2023 16:21 GMT+7
Ngày 07/12/2023, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức nghiệm thu đề tài KH&CN cấp Bộ “Nghiên cứu đề xuất mô hình phát triển bền vững trường phổ thông dân tộc bán trú đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục”, mã số B2022-VKG-15 do TS. Trần Thị Yên làm chủ nhiệm.

Hội đồng nghiệm thu có PGS. TS. Mai Văn Trinh làm Chủ tịch hội đồng, các thành viên hội đồng theo quyết định. Ngoài ra, tham dự buổi nghiệm thu còn có đại diện các phòng chức năng và các thành viên của nhóm nghiên cứu.
 
Mục tiêu nghiên cứu của đề tài: đề xuất giải pháp mô hình phát triển bền vững trường phổ thông dân tộc bán trú đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
 
 
TS. Trần Thị Yên trình bày kết quả nghiên cứu đề tài
  
Về cơ sở lý luận, đề tài tổng quan các vấn đề nghiên cứu về quy chế, tổ chức, hoạt đông và các chương trình giáo dục của nhà trường; các vấn đề nghiên cứu về mô hình các loại hình trường/lớp; các vấn đề về phát triển bền vững. Nhóm nghiên cứu cũng đã tập trung làm rõ các khái niệm và thuật ngữ liên quan, cụ thể là khái niệm mô hình, phát triển bền vững, trường phổ thông dân tộc bán trú. Ngoài ra, mô hinh, các thành tố chính của mô hìnhphát triển bền vững trường phổ thông dân tộc bán trú được làm rõ.
 
Về thực tiễn, đề tài đánh giá thực trạng sự phát triển mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú, từ đó, xác định những mặt mạnh của các thành tố, xác định các giải pháp nhằm phát huy điểm mạnh, hạn chế những vấn đề còn tồn tại của mô hình. Các ưu điểm được tổng hợp như sau: trường phổ thông dân tộc bán trú góp phần huy động học sinh người dân tộc trong độ tuổi ra lớp tăng, số học sinh người dân tộc thiểu số bỏ học giảm, môi trường học tập tốt…; công tác tổ chức, quản lý hoạt động giáo dục của nhà trường nề nếp, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên có nhiều kinh nghiệm; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học được đầu tư; được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Mặt khác, các hạn chế ghi nhận liên quan đến sự hiệu quả của tổ chức hoạt động và quản lý nhà trường, một số nội dung chương trình chưa phù hợp, cơ sở vật chất chưa đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục phổ thông, môi trường giáo dục nhiều dân tộc, đa văn hóa, một số chính sách ban hành chưa phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, công tác xã hội hóa giáo dục còn nhiều hạn chế.
 
Từ cơ sở lý luận và thực tiễn, nhóm nghiên cứu đề xuất các giải pháp mô hình phát triển bền vững trường dân tộc bán trú với năm thành tố, sáu nhiệm vụ và 68 tiêu chí đáp ứng yêu cầu đổi mới. Các giải pháp đưa ra có thể áp dụng để khắc phục những tồn tại trong quá trình phát triển bền vững trường phổ thông dân tộc bán trú góp phần thực hiện bình đẳng trong tiếp cận giáo dục và mục tiêu phát triển bền vững lĩnh vực giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
 
Tạp chí Khoa học Giáo dục Việt Nam