Nghiệm thu đề tài KH&CN cấp Bộ “Nghiên cứu giải pháp ứng dụng kỹ thuật số theo tiếp cận mô hình hệ sinh thái vào chăm sóc, giáo dục trẻ ở các CSGD mầm non tại khu công nghiệp, khu chế xuất”

19/07/2023 14:53 GMT+7
Sáng ngày 19/7/2023, tại phòng họp A4, trụ sở 101 Trần Hưng Đạo - Hà Nội, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức nghiệm thu đề tài KH&CN cấp Bộ “Nghiên cứu giải pháp ứng dụng kỹ thuật số theo tiếp cận mô hình hệ sinh thái vào chăm sóc, giáo dục trẻ ở các cơ sở giáo dục mầm non tại khu công nghiệp, khu chế xuất”, mã số B2021-VKG-02, do TS. Nguyễn Thị Nga làm chủ nhiệm.

Buổi nghiệm thu diễn ra với sự chủ trì của PGS.TS. Trần Huy Hoàng - Chủ tịch hội đồng, các thành viên của hội đồng theo quyết định, đại biểu của các phòng chức năng và các thành viên của nhóm nghiên cứu.
 
Trên cơ sở nghiên cứu lý luận và thực tiễn, nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng hệ sinh thái giáo dục chính là sự kết nối các thành phần của hệ thống giáo dục thành một thể thống nhất, trong đó các đối tượng tác động qua lại, chi phối và ảnh hưởng lẫn nhau, các hệ thống bên trong tác động với hệ thống bên ngoài để tạo môi trường cân bằng. Hệ sinh thái giáo dục đảm bảo mối quan hệ khăng khít giữa giáo viên, phụ huynh và cộng đồng hướng tới nâng cao chất lượng giáo dục, đảm bảo trẻ em được phát triển toàn diện.
 
Đồng thời, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng ứng dụng kỹ thuật số có vai trò quan trọng đối với cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh và trẻ mầm non: giúp trang bị cho trẻ em các kĩ năng sử dụng CNTT theo nhiều cách sáng tạo, đảm bảo quyền trẻ em trong việc tiếp cận với chăm sóc, giáo dục có chất lượng, giúp trẻ được kích thích và phát triển toàn diện, có được những trải nghiệm khác nhau, phù hợp với bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0; giúp mở rộng môi trường và đa dạng hoá các phương pháp giảng dạy của giáo viên; là công cụ hỗ trợ đắc lực ở tất cả các khâu đối với việc quản lý các cơ sở giáo dục mầm non và hỗ trợ phụ huynh nâng cao kiến thức, kĩ năng.
 
 
TS. Nguyễn Thị Nga trình bày kết quả nghiên cứu đề tài
  
Một số giải pháp ứng dụng kỹ thuật số theo tiếp cận mô hình hệ sinh thái vào chăm sóc, giáo dục trẻ ở các cơ sở giáo dục mầm non tại khu công nghiệp, khu chế xuất gồm:
  
(1) Xây dựng mạng lưới kết nối các lực lượng giáo dục trong và ngoài cơ sở giáo dục mầm non nhằm tạo nên một hệ thống thống nhất từ thành phần đến nội dung, cách thức tham gia hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ ở các cơ sở giáo dục mầm non tại khu công nghiệp, khu chế xuất;
(2) Xây dựng bộ tài liệu số và chia sẻ kênh thông tin trực tuyến miễn phí cho cán bộ quản lý, giáo viên, cha mẹ trong chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non;
(3) Xây dựng diễn đàn tư vấn về chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non (https://hesinhthaimamnon.vn/) nhằm tạo nơi để các nhà quản lý và giáo viên, cha mẹ trẻ, các cá nhân và tổ chức, cộng đồng, chính quyền địa phương thảo luận, trao đổi về các chính sách, dữ liệu, quan điểm, ý kiến, thông tin liên quan đến chăm sóc, giáo dục mầm non tại địa phương;
(4) Chuẩn bị các điều kiện ứng dụng kỹ thuật số đáp ứng nhu cầu cấp thiết cho vấn đề ứng dụng kỹ thuật số theo tiếp cận hệ sinh thái vào chăm sóc, giáo dục trẻ.
 
Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam