Hội thảo Công bố kết quả thử nghiệm một số nội dung mới của Chương trình Giáo dục mầm non

25/07/2023 16:15 GMT+7
Ngày 25/7/2023, tại Hội trường tầng 5, trụ sở số 4 Trịnh Hoài Đức - Hà Nội, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội thảo Công bố kết quả thử nghiệm một số nội dung mới của Chương trình Giáo dục mầm non theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến.

Tham dự Hội nghị, có gần 100 đại biểu trực tiếp và hơn 300 đại biểu trực tuyến. Họ là các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý giáo dục, các nhà nghiên cứu, giảng viên, giáo viên đến từ các Cục, Vụ chức năng của Bộ GD&ĐT, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, các trường đại học và cao đẳng sư phạm, các Sở/ Phòng GD&ĐT, các trường mầm non tham gia thử nghiệm thuộc 06 tỉnh/ thành (thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Nghệ An, Kon Tum, Ninh Bình, Thái Nguyên), 15 tỉnh/ thành tham gia thí điểm trong giai đoạn tới, tổ chức UNICEF Việt Nam, các tổ chức trong nước và quốc tế khác.
 
 
Viện trưởng Lê Anh Vinh phát biểu khai mạc hội thảo
  
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS. Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện KHGDVN, Trưởng ban biên soạn Chương trình Giáo dục mầm non mới, gửi lời chào mừng và cảm ơn tới toàn thể các quý vị đại biểu, quý thầy cô tham dự Hội thảo. Ông mong đợi qua Hội thảo, các đại biểu sẽ cùng nhau chia sẻ, thảo luận kết quả thử nghiệm để làm căn cứ cho việc hoàn thiện Chương trình Giáo dục mầm non mới. Ban biên soạn sẽ tiếp thu các ý kiến để điều chỉnh dự thảo Chương trình giáo dục mầm non mới, đúc kết các bài học kinh nghiệm cho việc tổ chức triển khai thí điểm trong giai đoạn tới.
 
 
PGS.TS. Nguyễn Bá Minh đánh giá cao kết quả thử nghiệm
  
Tiếp theo là phát biểu của PGS.TS. Nguyễn Bá Minh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non. Ông đánh giá cao về khâu tổ chức, phân công nhiệm vụ rõ ràng và phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan: Viện KHGDVN - nghiên cứu xây dựng Chương trình, Vụ Giáo dục Mầm non - chỉ đạo thực hiện, các cơ sở đào tạo giáo viên - công tác giám sát, các Sở và Phòng GD&ĐT - chỉ đạo trực tiếp thử nghiệm ở địa phương, các cơ sở giáo dục mầm non - triển khai thử nghiệm chương trình. Chương trình Giáo dục mầm non mới sẽ được triển khai thí điểm từ năm học 2023 - 2024 tại 20 tỉnh/ thành trong đó bao gồm 05 tỉnh/ thành đang thực hiện thử nghiệm.
 
 
Đại biểu báo cáo kết quả thử nghiệm
  
Hoạt động thử nghiệm tập trung vào các điểm mới của Chương trình giáo dục mầm non, thực hiện các nội dung sau:
  
(1) Cụ thể hóa kết quả mong đợi trong Chương trình Giáo dục mầm non mới theo từng độ tuổi phù hợp với sự phát triển của trẻ em tại địa phương.
(2) Cụ thể hóa khung nội dung giáo dục trong Chương trình Giáo dục mầm non mới thành nội dung giáo dục cho từng độ tuổi, phù hợp với nhu cầu, hứng thú của trẻ em và văn hoá địa phương.
(3) Xây dựng hệ thống nội dung tích hợp dưới dạng chủ đề, sự kiện, dự án phù hợp với kinh nghiệm sống của trẻ em, bối cảnh văn hoá địa phương.
(4) Xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện thực tiễn ở từng cơ sở giáo dục mầm non.
(5) Thực hành phương pháp chăm sóc, giáo dục đáp ứng và phương pháp tổ chức cho trẻ em học qua chơi và trải nghiệm ở từng lĩnh vực Thể chất, Toán, Khám phá khoa học và công nghệ, Ngôn ngữ, Tình cảm - Xã hội, và Nghệ thuật ở các nhóm, lớp thử nghiệm.
(6) Thực hành đánh giá sự phát triển của trẻ em hàng ngày và theo quá trình để hỗ trợ trẻ em phát triển liên tục trong các nhóm, lớp thử nghiệm.
    
Đại diện của 6 tỉnh/thành phố và các trường mầm non tham gia thử nghiệm, bao gồm thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Nghệ An, Kon Tum, Ninh Bình và Thái Nguyên trình bày Báo cáo tổng kết thử nghiệm một số nội dung mới của Chương trình giáo dục mầm non. Các báo cáo tập trung vào quá trình tổ chức triển khai thử nghiệm: công tác chỉ đạo, công tác triển khai thực hiện, kết quả thử nghiệm, những thuận lợi và khó khăn trong quá trình thử nghiệm, đề xuất và kiến nghị.
 
 
Các đại biểu thảo luận tại hội trường
 

 
  
Các đại biểu tham dự Hội thảo trao đổi, thảo luận về những kết quả cơ bản, một số thuận lợi, khó khăn trong triển khai thử nghiệm những nội dung mới của Chương trình Giáo dục mầm non tại các tỉnh. Các vấn đề thảo luận liên quan gồm: đánh giá tác động lên trẻ mầm non (những điểm tích cực, những điểm cần lưu ý điều chỉnh), vấn đề chuyển đổi số trong giáo dục mầm non, điều kiện cơ sở vật chất để thực hiện Chương trình mới,…
 

Các đại biểu tham dự hội thảo
 
Trong phiên làm buổi chiều, các đại biểu sẽ thảo luận nhóm, tập trung vào các nội dung: Tiếp tục điều chỉnh Dự thảo 1.2 của Chương trình Giáo dục mầm non mới, Tổ chức thí điểm Chương trình, và Chuẩn bị các điều kiện để thực hiện Chương trình.
 
 Tạp chí Khoa học Giáo dục Việt Nam

Tin khác