Hội thảo khoa học “Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng Luật Học tập suốt đời ở một số nước và thực trạng ở Việt Nam”

29/11/2023 08:52 GMT+7
Hội thảo được diễn ra ngày 10/11/2023 trong khuôn khổ của Đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu định hướng xây dựng Luật học tập suốt đời”, mã số B2022.VKG.22.

Tham dự Hội thảo, về phía khách mời có đại diện Vụ Giáo dục thường xuyên, Bộ Giáo dục & Đào tạo; đại diện Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội, đại diện cán bộ quản lý - Trung tâm GDNN - GDTX Hà Nội; và toàn thể cán bộ, nghiên cứu viên Ban Nghiên cứu Giáo dục thường xuyên.
 
 
  
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng ban Ban Nghiên cứu Giáo dục thường đã khẳng định, Học tập suốt đời (HTSĐ) đã trở thành một xu thế trên thế giới và ngày càng phát huy vai trò trong phát triển giáo dục, kinh tế, xã hội, văn hóa của các quốc gia. Việc nghiên cứu để xúc tiến xây dựng khung pháp lí về HTSĐ ở cấp độ Luật đang trở thành vấn đề có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh nước ta hiện nay. Ông cũng bày tỏ sự vui mừng được đón tiếp các quý vị đại biểu và mong Hội thảo sẽ là trở thành một diễn đàn để các nhà quản lí, nhà khoa học và các cán bộ đang hoạt động trong lĩnh vực giáo dục thường xuyên có thể chia sẻ cởi mở và thu được nhiều thông tin bổ ích.
 
 
  
Báo cáo tham luận “Luật giáo dục suốt đời ở Hàn Quốc” do ThS Nguyễn Hoài Thu – Ban Nghiên cứu Giáo dục thường xuyên trình bày đã phân tích bối cảnh xây dựng, nội dung, cơ chế vận hành của Luật Giáo dục suốt đời của Hàn Quốc, từ đó rút ra một số nhận xét và gợi ý cho Việt Nam.
 
 
Báo cáo “Khái quát thực trạng xây dựng và thực hiện chính sách về học tập suốt đời ở Việt Nam” do TS Nguyễn Thị Hài, Ban Nghiên cứu Giáo dục thường xuyên trình bày đã chia sẻ kết quả khảo sát chính của Đề tài (khảo sát tại 04 tỉnh/thành phố: Hà Nội, Thanh Hóa, Gia Lai, Đồng Tháp trong năm 2023) bao gồm 3 nội dung chính: (1) Thực trạng xây dựng, ban hành pháp luật, chính sách HTSĐ; (2) Thực trạng thực thi pháp luật, chính sách HTSĐ; (3) Nhu cầu của các bên liên quan đối với việc xây dựng Luật HTSĐ.
 
 
Trong phiên thảo luận, các đại biểu bày tỏ ý kiến xoay quanh sự cần thiết của việc xây dựng Luật HTSĐ ở nước ta hiện nay, bài học kinh nghiệm của các nước đã xây dựng Luật HTSĐ hoặc những nước đạt được thành tựu cao trong lĩnh vực Giáo dục suốt đời. Các đại biểu cũng chia sẻ về những hoạt động tích cực của các Trung tâm học tập cộng đồng, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên ở nước ta trong việc tạo cơ hội HTSĐ cho người dân trong cộng đồng; hoạt động quản lý, nâng cao nhận thức về HTSĐ và xây dựng Luật HTSĐ.
  
Hội thảo khép lại với nhiều ý kiến hữu ích được chia sẻ, gợi mở cho đề tài những vấn đề cần làm rõ hơn trong báo cáo tổng kết, góp phần làm nền tảng xây dựng Luật HTSĐ ở Việt Nam trong tương lai gần.
  
Tin bài và ảnh: Ban Nghiên cứu Giáo dục thường xuyên

Tin khác