Nghiệm thu đề tài KH&CN cấp Bộ “Nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp việc tổ chức dạy học, kiểm tra và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số đáp ứng yêu cầu đổi mới”

25/10/2023 11:09 GMT+7
Sáng ngày 25/10/2023, tại phòng họp A4, trụ sở 101 Trần Hưng Đạo - Hà Nội, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức nghiệm thu đề tài KH&CN cấp Bộ “Nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp việc tổ chức dạy học, kiểm tra và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số đáp ứng yêu cầu đổi mới”, mã số B2022-VKG-16, do ThS. Đào Thị Hồng Minh chủ nhiệm.

Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số là một lĩnh vực của Quản lý Nhà nước về giáo dục nhằm thực hiện đường lối, nghị quyết của Đảng, pháp luật và chính sách ngôn ngữ của Nhà nước đối với việc sử dụng, phổ biến, bảo tồn ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số nói riêng, chính sách ngôn ngữ quốc gia nói chung. Mặt khác, thực hiện chính sách ngôn ngữ dân tộc còn góp phần quan trọng trong tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số trong thực hiện đường lối của Đảng, pháp luật và chính sách của Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
 
Đổi mới tổ chức đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số là khâu cơ bản trong đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo, góp phần tạo chuyển biến trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số. Nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số đáp ứng yêu cầu đổi mới đất nước.
 

Hội đồng nghiệm thu đề tài
 
Đề tài làm rõ các khái niệm và thuật ngữ, bao gồm: dân tộc thiểu số và vùng dân tộc thiểu số, chính sách và chính sách ngôn ngữ, quản lý, quản trị và cơ chế quản lý, đánh giá chính sách và đánh giá chính sách ngôn ngữ, đánh giá chính sách dạy học, kiểm tra và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số.
 
Đề tài khái quát đặc điểm tình hình các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số, đánh giá thực trạng tổ chức dạy học, kiểm tra và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số tại các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng và các cơ sở giáo dục địa phương, đánh giá tác động của chính sách hiện hành về đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số đối với sự phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi.
 
Từ cơ sở lý luận và thực tiễn, đề tài đề xuất 03 giải pháp tổ chức đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số đáp ứng yêu cầu đổi mới, gồm: (1) Giải pháp về tổ chức đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số; (2) Giải pháp về tổ chức kiểm tra, đánh giá; (3) Giải pháp về cấp chứng chỉ. Các giải pháp có mối liên hệ biện chứng; do vậy, khi triển khai thực hiện các giải pháp cần thực hiện đồng bộ cả 03 giải pháp, lưu ý đến các yếu tố tác động đến quá trình thực hiện giải pháp, đảm bảo các điều kiện để thực hiện các giải pháp hiệu quả.
 
Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam

Tin khác