Nghiệm thu đề tài KH&CN cấp Bộ “Nghiên cứu đề xuất mô hình phát triển bền vững trường phổ thông dân tộc bán trú đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục”

22/09/2023 11:08 GMT+7
Chiều ngày 21/9/2023, tại phòng họp A4, trụ sở 101 Trần Hưng Đạo - Hà Nội, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức nghiệm thu đề tài KH&CN cấp Bộ “Nghiên cứu đề xuất mô hình phát triển bền vững trường phổ thông dân tộc bán trú đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục”, mã số B2022-VKG-15, do TS. Trần Thị Yên làm chủ nhiệm.

 
Hội đồng nghiệm thu đề tài
  
Trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) là một trong những loại hình trường thuộc hệ thống trường chuyên biệt được quy định theo Luật Giáo dục năm 2019, được cụ thể hoá ở Thông tư 03/2023/TT-BGDĐT. Mô hình trường PTDTBT không chỉ mang ý nghĩa giáo dục mà còn mang ý nghĩa nhân văn “đưa học sinh đến trường” cho người học là người dân tộc thiểu số, người học thuộc gia đình định cư lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Mô hình phát triển bền vững trường PTDTBT được tiếp cận theo mô hình phát triển bền vững nội tại/ nội lực (cái đã có) để điều chỉnh phù hợp với hiện tại mà vẫn đảm bảo các điều kiện trong tương lai.
 
Giải pháp mô hình phát triển bền vững trường PTDTBT đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục được đề xuất trong nghiên cứu này bao gồm 5 thành tố, 6 nhiệm vụ và 68 tiêu chí nhằm đảm bảo nhu cầu của hiện tại mà không ảnh hưởng tới tương lai. Các giải pháp bao gồm:
  
(1) Giải pháp về thành tố tổ chức, hoạt động và quản lý: nhằm đảm bảo tính thống nhất, ổn định trong hiện tại và bền vững ở tương lai, ngoài việc thực hiện theo quy định chung thì có những có quy định phù hợp mang tính chất đặc thù của trường PTDTBT về tổ chức, hoạt động và quản lý đối việc dạy - học và nuôi - dạy.
  
(2) Giải pháp của thành tố nội dung chương trình: nhằm vừa đảm bảo chương trình chung quốc gia (phát triển phẩm chất và năng lực) vừa đảm bảo yếu tố đặc thù do tính chất của trường chuyên biệt ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, góp phần đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục đối với học sinh người dân tộc thiểu số nói chung, học sinh người dân tộc thiểu số ở các trường chuyên biệt nói riêng hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
  
(3) Giải pháp của thành tố cơ sở vật chất: là điều kiện thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông ở trường PTDTBT, nhằm quản lý, quản trị hiệu quả cơ sở vật chất nhà trường.
  
(4) Giải pháp của thành tố môi trường giáo dục: nhằm đảm bảo tinh thần dạy - học, nuôi - dạy trong môi trường đa văn hoá với những thói quen, hành vi ứng xử giữa thầy - trò, trò - trò biết tham gia, quan tâm, giúp đỡ nhau; qua đó, có nhận thức đúng đắn để luôn ý thức trau dồi, rèn luyện đạo đức, ý thức tập thể, sống hoà nhập với bạn bè trong và ngoài trường học, với cộng đồng.
  
(5) Giải pháp của thành tố chính sách và xã hội hoá giáo dục: nhằm hướng tới đảm bảo công bằng, tạo động lực cho người dạy và người học thông qua các chính sách hỗ trợ cho người dạy (cán bộ quản lý, giáo viên), người học và nhân viên hỗ trợ vùng dân tộc thiểu số, miền núi; chính sách về chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục học sinh bán trú; chính sách đối với học sinh, học sinh bán trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; công tác xã hội hoá (nhà trường - gia đình - xã hội).
  
Mỗi giải pháp vừa là tiền đề, vừa là hệ quả của những giải pháp còn lại. Vì vậy, để đạt được mục tiêu phát triển bền vững trường PTDTBT đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục thì cần thực hiện đồng bộ 5 giải pháp nêu trên.
 
Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam

Tin khác